Đến cuối cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện tổng cộng 9 bức tường, được xây dựng chủ yếu bằng xương đùi và xương ống chân của người trưởng thành. Các khu vực trung gian chứa đầy những hộp sọ, nhiều trong số chúng bị phân mảnh, theo Ruben Willaert, chuyên gia của công ty Hà Lan đã tìm thấy những bức tường được xây bằng xương người.
Theo trưởng nhóm dự án Janiek De Gryse, cấu trúc rùng rợn được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 17, bao gồm các bức tường xây bằng xương đùi và xương ống chân của người lớn, bên cạnh một số hộp sọ. Đây là phát hiện chưa từng có ở Ghent.
Các bức tường có vẻ được xây khi nghĩa địa của nhà thờ bị phá hủy. Họ không thể vứt bỏ các hài cốt nên đã sử dụng chúng để tạo ra những ngôi mộ mới. Vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu.
Các bức tường xương người được phát hiện ở phía Bắc của Nhà thờ Thánh Bavo, trước đây còn được gọi là Nhà thờ Thánh John the Baptist, hay St. Jan. Việc xác định niên đại bằng radiocarbon cho thấy chúng có niên đại vào nửa sau của thế kỷ 15, nhưng các bức tường có thể được xây dựng sau đó, vào thế kỷ 17 hoặc đầu thế kỷ 18, Janiek De Gryse cho biết.
Tài liệu lịch sử hỗ trợ cho những số liệu này. Một nguồn tin lưu ý rằng nghĩa trang của nhà thờ đã được dọn trong nửa đầu thế kỷ 16 và một lần nữa, sau năm 1784, khi nghĩa trang ngừng nhận thêm thi thể mới. Dù được xây dựng trong thời điểm nào, những bức tường này là một phát hiện có một không hai.
“Chúng tôi không có bất kỳ thứ nào khác có thể so sánh ở Bỉ. Hầu hết các nghĩa trang cổ đều có nhiều hố hoặc lớp đầy xương người lộn xộn, còn xương xếp thành các kết cấu như là tường thế này, tức là những người xây nên đều có chủ đích, thì chưa từng gặp bao giờ”, Janiek De Gryse phát biểu.
Bất cứ ai làm các bức tường hẳn đều đã vội vàng, vì họ không thèm thu thập xương nhỏ hoặc dễ vỡ, chẳng hạn như đốt sống, xương sườn hoặc xương từ tay hoặc bàn chân. Thật kỳ lạ, các nhà khảo cổ học cũng không tìm thấy xương cánh tay nào.
“Các bức tường chỉ bao gồm xương từ các chi dưới”, bà Janiek De Gryse cho biết. “Hiện tại chúng tôi vẫn đang xem xét ý tưởng nào gây ra điều này. Cấu trúc này chỉ mang tính thực tiễn (chồng chất xương một cách rất nhỏ gọn) hay còn có một chiều hướng tôn giáo/tâm linh nào đó?”.
De Gryse cho biết khi dọn dẹp nghĩa địa, mọi người có thể không có đủ thời gian để thu thập những xương nhỏ như đốt sống, xương sườn, hay xương bàn tay, chân, đặc biệt là của trẻ em. Thời Trung Cổ, phần mộ của trẻ thường ít được quan tâm hơn so với người lớn.
Hiện nay những mảnh xương này được quy tập về Trường Đại học Ghent để phục vụ công tác nghiên cứu.