Phát hiện siêu Trái đất thân thiện với sự sống

GD&TĐ - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện siêu Trái đất ở cách chúng ta 31 năm ánh sáng. Sự sống có thể đang tồn tại trên siêu Trái đất này.

GJ 357 d có thể có nước ở trạng thái lỏng, chảy trên bề mặt hành tinh, tương tự như trên Trái đất.
GJ 357 d có thể có nước ở trạng thái lỏng, chảy trên bề mặt hành tinh, tương tự như trên Trái đất.

Theo NASA, siêu Trái đất vừa được phát hiện có những điều kiện thân thiện cho sự sống phát triển. Siêu Trái đất có ký hiệu là GJ 357 d, nằm trong hệ thống bao gồm 3 ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời).

Kính viễn vọng không gian TESS mới được NASA đưa lên quỹ đạo trong khoảng 1 năm, vậy mà đã có hàng loạt phát hiện đáng ghi nhận, siêu Trái đất GJ 357 d có thể là phát hiện quan trọng nhất mà không kính viễn vọng nào khác có thể thực hiện được.

Nhóm các nhà nghiên cứu làm việc cho chương trình TESS do nữ giáo sư thiên văn học Lisa Kaltenegger – Viện trưởng Viện Khoa học Carl Sagan (Mỹ), làm trưởng nhóm.

Theo bà Kaltenegger, đây là ngoại hành tinh đầu tiên có thể trở thành “ngôi nhà” cho nhân loại.

Phát hiện bắt đầu từ việc quan sát sao lùn đỏ GJ 357 type M bằng Kính TESS. Trong quá trình quan sát, các nhà thiên văn học chú ý đến hiện tượng “tắt tạm thời” đặc trưng của ngôi sao, trung bình cứ 3,9 ngày “tắt” 1 lần. Điều này chứng tỏ có vật gì đó quay xung quanh sao lùn đỏ GJ 357.

Hiện tượng “tắt tạm thời” nói trên được quan sát vào tháng Hai. Các nhà khoa học không cần phải chờ đợi lâu để xác định được vật thể quay xung quanh sao lùn. Hóa ra, đó là một “Trái đất nóng”, được ký hiệu là GJ 357 b.

Về mặt kích thước, nó lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 22%. Do khoảng cách đến ngôi sao chủ ngắn, nên nhiệt độ bề mặt ngoại hành tinh này rất cao.

Các nhà khoa học tiếp tục quan sát bởi họ biết rằng chu kỳ “tắt sáng” 3,9 ngày không thể do GJ 357 b gây ra. Ngoại hành tinh GJ 357 b này không thể quay quá nhanh xung quanh ngôi sao chủ như vậy. Vì thế, trong hệ thống chắc phải còn một thiên thể nữa.

Những tuần quan sát tiếp theo cho kết quả là các nhóm nghiên cứu phát hiện thêm “anh em” của GJ 357 b. Đó là hai ngoại hành tinh GJ 357 c và GJ 357 d, trong đó GJ 357 d có những đặc điểm đáng chú ý nhất.

GJ 357 d ở xa ngôi sao chủ nhất. Đây là ngoại hành tinh dạng “siêu Trái đất” – có nghĩa nó là hành tinh đá nhưng lớn hơn nhiều lần so với Trái đất của chúng ta. GJ 357 d quay xung quanh ngôi sao chủ một vòng hết 55,7 ngày, ở khoảng cách bằng khoảng 20% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời.

Vậy đây có phải là khoảng cách quá ngắn? Ngôi sao GJ 357 nhỏ hơn Mặt trời khoảng 3 lần. Các nhà khoa học cho rằng trong điều kiện ấy, khoảng cách từ GJ 357 d đến sao chủ có thể tạo ra những điều kiện lý tưởng cho sự sống trên ngoại hành tinh.

“Với khí quyển dày đặc như vậy, trên ngoại hành tinh GJ 357 d có thể có nước ở trạng thái lỏng, chảy trên bề mặt hành tinh, tương tự như trên Trái đất. Chúng ta cũng có thể phát hiện dấu hiệu sự sống trên hành tinh này, nhưng thông qua các kính viễn vọng đang xây dựng” – bà Kaltenegger cho biết.

Những kính viễn vọng thế hệ mới có thể được khởi động vào năm 2025. Hiện giờ, các nhà khoa học chỉ còn cách chờ đợi bởi không có thiết bị tiên tiến hơn, họ chưa thể nói gì thêm về “Trái đất 2.0” tiềm năng này.

GJ 357 d không phải là “Trái đất 2.0” đầu tiên do Kính TESS phát hiện. Tuy nhiên, nó là ngoại hành tinh ở rất gần Trái đất.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ