Phát hiện thú vị của sứ mệnh Kepler

GD&TĐ - Các nhà thiên văn học vừa khẳng định sự tồn tại của ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) K2-263 b. Đây là phát hiện từ giai đoạn K2 của sứ mệnh vũ trụ Kính viễn vọng không gian Kepler. K2-263 b là hành tinh rất đáng quan tâm với kích thước nằm giữa Trái đất và sao Hải vương.

Phát hiện thú vị của sứ mệnh Kepler

Ngoại hành tinh K2-263 b có các thông số rất thú vị: Đường kính bằng khoảng 2,41 đường kính Trái đất, khối lượng lớn hơn khối lượng Trái đất khoảng 15 lần. Đây là thiên thể lớn hơn Trái đất, nhưng nhỏ hơn và nhẹ hơn sao Hải vương.

Khối lượng riêng của K2-263 b bằng khoảng 5,7g/cm3 (sai số khoảng 1,5 g/cm3). Giá trị này tương đương khối lượng riêng của Trái đất (5,51 g/cm3), nhưng cao hơn khối lượng riêng của sao Hải vương (khoảng 1,6 g/cm3) và của các hành tinh khí khác.

Khối lượng riêng của K2-263 b cho thấy, ngoại hành tinh này có nhân đá và bề mặt được bao phủ bởi một lớp nước và/hoặc khí. Đây có lẽ là ví dụ về siêu Trái đất có đại dương.

nhiên, các nhà thiên văn học không biết đâu là “ranh giới” giữa siêu Trái đất và hành tinh khí kích thước nhỏ. Vào đầu thập niên này, người ta cho rằng, các thiên thể nhẹ hơn 1,7 lần khối lượng Trái đất đều là hành tinh đá; còn nặng hơn 3,9 lần khối lượng Trái đất thì là các hành tinh khí kích thước nhỏ.

Trong khi đó, khối lượng và khối lượng riêng của K2- 263 b cho thấy giới hạn này không cần phải rõ rệt.

Phát hiện và khẳng định sự tồn tại của K2- 263 b là kết quả của các nhà thiên văn học từ một số cơ sở nghiên cứu khoa học ở châu Âu và Mỹ. Ngoài Kính viễn vọng Kepler, các nhà khoa học còn sử dụng thiết bị HARPS để đo vận tốc xuyên tâm của các ngoại hành tinh.

Sau gần 10 năm hoạt động, Kính Kepler đã kết thúc sứ mệnh của nó vào ngày 30/10/2018. Sứ mệnh đã khẳng định hơn 2.660 thiên thể là ngoại hành tinh, vài ngàn thiên thể khác là “ứng viên” ngoại hành tinh. Tổng dung lượng dữ liệu từ sứ mệnh Kepler là hơn 670 gigabyte. Lượng dữ liệu này sẽ được tiếp tục phân tích trong nhiều năm nữa.

Thay thế cho Kính Kepler là Kính viễn vọng không gian TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite), được đưa lên quỹ đạo vào tháng 4/2018. Mục đích của TESS là quan sát khoảng 500.000 ngôi sao có độ sáng biểu kiến trên + 12 magnitude.

Khác với Kepler, TESS sẽ quan sát toàn bộ bầu trời, như vậy số lượng “ứng viên” ngoại hành tinh sẽ tăng lên, đặc biệt là ở trong khoảng cách 200 – 300 năm ánh sáng tính từ Trái đất. Ước tính, TESS sẽ phát hiện khoảng 10.000 “ứng viên” ngoại hành tinh có kích thước tương đương Trái đất hoặc lớn hơn.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.