Dù không phải là một nhiệm vụ đơn giản nhưng các nhà cổ sinh vật từ ĐH California (Mỹ) đã đưa được ra số lượng của loài khủng long T.rex trong trong kỷ Phấn trắng từ 65 - 98 triệu năm trước.
Công việc đầy thách thức
Các hóa thạch từ lâu đã được sử dụng để nâng cao hiểu biết của chúng ta về những sinh vật đã tuyệt chủng như khủng long, nhưng các chuyên gia cho rằng việc sử dụng những bộ hài cốt này để tính toán mật độ và mức độ phong phú của chúng là một thách thức.
Giám đốc Charles Marshall của Bảo tàng Cổ sinh vật học của ĐH California là người tham gia nhóm nghiên cứu. Ông cho biết: “Không có thông tin nào để đưa ra ước tính. Nếu bạn tìm thấy một quả trứng Phục sinh trong vườn nhà mình, làm thế nào bạn ước tính được có bao nhiêu trứng Phục sinh đã từng tồn tại? Điều đó đơn giản là không thể thực hiện được. Bạn cần thông tin từ một nơi khác, ví dụ, mật độ của những quả trứng Phục sinh, khu vực có thể tìm thấy trứng và trứng Phục sinh đã được đặt trong vườn bao nhiêu năm”.
Nhà cổ sinh vật học Nizar Ibrahim tại ĐH Portsmouth (Anh) không tham gia nghiên cứu trên. Ông cho rằng “trước đây các nhà nghiên cứu đã cố gắng ước tính những thứ như kích thước phạm vi khu vực sinh sống của khủng long Tyrannosaurus và nhu cầu năng lượng cơ bản của chúng, vì vậy đây là phần mở rộng của công việc trước đó, bao gồm nhiều thông tin cập nhật về Tyrannosaurus”.
Có 20.000 khủng long T.rex ở Bắc Mỹ
Sử dụng hồ sơ hóa thạch, mật độ và dữ liệu từ các mô hình khí hậu, nhóm nghiên cứu ĐH California đã tính toán rằng khoảng 20.000 con T.rex trưởng thành, sống trên khắp Bắc Mỹ, có thể tồn tại cùng một lúc.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết điều này có nghĩa là khoảng 2,5 tỉ con T.rex đã sống và chết trong khoảng thời gian gần 2,5 triệu năm – quá trình những con khủng long sinh sống.
Lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu cũng tính toán tuổi thọ của khủng long. Sử dụng các tài liệu khoa học và ý kiến chuyên gia, họ ước tính độ tuổi trưởng thành của T.rex là 15,5 năm và tuổi thọ của nó có thể đạt đến khoảng 28 năm. Khối lượng cơ thể trưởng thành trung bình của loài khủng long này là khoảng 5.200kg và một đợt tăng trưởng sau khi trưởng thành có thể khiến chúng nặng tới 7.000kg.
Từ những ước tính trên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng mỗi thế hệ của T.rex kéo dài trong khoảng 19 năm và cứ 100km vuông lại có một con khủng long. Họ xác định, với số lượng 20.000 khủng long thường trực và khoảng 127.000 thế hệ của loài này, tổng thể sẽ có khoảng 2,5 tỷ con khủng long T.rex.
Ông Jason C.Poole của Viện Cổ sinh vật lưu vực Bighorn (Mỹ) cho biết: “Phương pháp của các nhà nghiên cứu có vẻ rất giàu thông tin, đồng thời cũng chỉ ra những giới hạn hiện tại về những gì có thể làm được từ những điều đã biết”.
“Tôi chắc chắn nó sẽ mở ra cánh cửa để tập trung tốt hơn vào những câu hỏi về mật độ dân số và ý nghĩa của nó theo thời gian. Vì vậy, điều này thực sự có thể giúp chúng ta hiểu về sự thay đổi của loài vật theo thời gian vì nó liên quan đến sự tiến hóa và thay đổi hệ sinh thái”, ông Poole khẳng định.
Các nhà nghiên cứu ước tính, mật độ dân số của loài T.rex tương đương với 3.800 con khủng long ăn thịt ở một khu vực có diện tích bằng bang California, nhưng chỉ có 2 con ở khu vực có diện tích bằng Washington DC.
Mở ra khả năng tìm hiểu thêm thông tin
Trong khi đó, kết quả có được cũng cho phép các tác giả xác định rằng chỉ có khoảng 1 trong 80 triệu con T.rex được bảo tồn dưới dạng di tích hóa thạch.
“Tác động lớn của nghiên cứu này có thể là nó cho thấy hóa thạch hiếm đến mức nào, chúng chỉ thể hiện một phần nhỏ của các sinh vật riêng lẻ từng tồn tại, chưa kể đến độ sâu của thời gian cũng như tỷ lệ xảy ra trong vài nghìn đến một triệu năm”, ông Poole nói.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Marshall của ĐH California cho biết, “theo một cách nào đó, đây là bài tập cổ sinh vật học về những gì chúng ta có thể biết và làm thế nào chúng ta có thể biết được điều đó…
Thật ngạc nhiên với những gì chúng ta biết được về loài khủng long này để từ đó chúng ta có thể tính toán thêm được thông tin nữa.Hiểu biết của chúng ta về khủng long T.rex đã mở rộng rất nhiều trong vài thập kỷ qua nhờ có nhiều hóa thạch hơn, nhiều cách phân tích hơn và tốt hơn cách tích hợp thông tin qua những hóa thạch đã biết”.
Ông Ibrahim nhận thấy có những khả năng khác bắt nguồn từ nghiên cứu này. Ông cho rằng, có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về sinh lý học, hành vi và môi trường thực phẩm của T.rex, nhưng nghiên cứu này đưa ra một cách tiếp cận thú vị để ước tính sự phong phú và tỷ lệ bảo tồn của khủng long.
“Tôi rất mong thấy nó được áp dụng cho các loài khủng long khác mà chúng ta biết qua hóa thạch. Nhìn vào một loạt các loài khủng long, kẻ săn mồi và con mồi, chúng ta có thể so sánh tốt hơn các cộng đồng động vật thời khủng long với những loài hiện đại”, ông nói.
Theo ông Ibrahim, những gì chúng ta thấy chỉ là bề nổi và ngay cả với nghiên cứu hấp dẫn này, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chúng ta tự tin áp dụng những cách tiếp cận này một cách rộng rãi vào việc nghiên cứu khủng long.
Bình luận