Phát hiện loài mèo giống cáo
Trên đảo Cors (Pháp) các nhà nghiên cứu vừa phát hiện loại động vật có vú mới, chưa từng được khoa học nhận dạng. Dân địa phương gọi nó là “mèo - cáo” (ghjattu volpe). Mèo - cáo thường tấn công dê và cừu của người dân trên đảo. Một con mèo - cáo trưởng thành có chiều dài khoảng 90 cm. Các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến loài mèo - cáo này vào năm 2008, sau khi bắt được một cá thể cái. “DNA của mèo - cáo giống như DNA của mèo rừng châu Phi” - ông Pierre Benedetti ở Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên Pháp, cho biết như vậy.
Cánh tay robot hoạt động nhờ sóng não
Các nhà nghiên cứu ở Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) vừa chế tạo cánh tay robot đầu tiên có khả năng hoạt động nhờ sóng não.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Science Robotics, các nhà khoa học đã mô tả cách họ sử dụng công nghệ phát hiện và học máy để tạo ra giao diện não - máy tính cho cánh tay robot để tiếp cận sóng não.
Cánh tay robot hoạt động nhờ sóng não được chế tạo dành cho những người bị liệt tay chân, có rối loạn về chức năng vận động. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Trường ĐH Carnegie khẳng định các robot điều khiển bằng ý nghĩ vẫn là câu chuyện của công nghệ tương lai.
Sâu biển có mắt ở… đuôi
Loài sâu biển mới được phát hiện gần bờ biển Scotland có mắt ở…đuôi. Đây là một tình huống khác thường trong thế giới tự nhiên. Loài sâu biển nói trên có tên khoa học là ampharete oculicirrata.
Đuôi nó có những chỗ lồi lên trông giống những cây ăng ten nhỏ. Trên “ăng ten” là mắt. Ngoài ra, loài sâu biển này cũng có mắt ở vị trí “thích hợp”, tức là ở trên đầu. Mỗi cá thể sâu biển ampharete oculicirrata trưởng thành dài 4 - 5 mm.