Phát hiện hóa thạch của loài khủng long bọc giáp mới

GD&TĐ - Các nhà cổ sinh vật học Chile đã phát hiện ra hóa thạch của một loài giáp long (ankylosaur) rất kỳ lạ với chiếc đuôi bọc thép không giống bất kỳ loài khủng long nào đã được biết đến.

Phát hiện hóa thạch của loài khủng long bọc giáp mới

Đồng trưởng nhóm nghiên cứu Alexander Vargas, nhà cổ sinh vật học tại Khoa Sinh học thuộc Trường Đại học Chile, nói với Live Science rằng: Cái đuôi trông giống như một thanh kiếm; nó rất phẳng. Nó hơi giống một thanh kiếm Aztec hay còn được biết đến với cái tên là macuahuitl.

Ngoài chiếc đuôi kỳ lạ, hóa thạch khủng long còn cho thấy một câu chuyện chưa từng được biết đến trước đây về quá trình tiến hóa của loài giáp long: Sự tan rã của siêu lục địa Pangea trong kỷ Jura (201,3 triệu đến 145 triệu năm trước) dẫn đến sự khác biệt cực kỳ lớn giữa các loài giáp long trên siêu lục địa phía Bắc Laurasia và phía Nam siêu lục địa Gondwana, giống như loài mới được tìm thấy này, được đặt tên là Stegouros elengassen.

Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy Stegouros elengassen trong đá kỷ Phấn trắng có niên đại từ 71,7 triệu đến 74,9 triệu năm trước vào tháng 2/2018. Bộ xương được bảo quản tốt và hoàn thiện tới 80%.

Theo Vargas, các xương được nối nguyên vẹn từ phần eo trở xuống trong khi nửa trên thì rời rạc. Con giáp long có khả năng đã chết bên một con sông, có lẽ là do cát lún. Điều này giải thích tại sao nửa dưới của nó được bảo quản tốt đến vậy, mặc dù đây chỉ là suy đoán theo Vargas.

Nhóm nghiên cứu chỉ còn 5 ngày trong mùa thực địa để khai quật hài cốt khủng long, và thời gian ngắn ngủi đó đã khiến tình trạng bong gân mắt cá chân, gãy xương sườn và gần hạ thân nhiệt diễn ra với nhiều thành viên trong đoàn, Vargas nói.

Nhưng nỗ lực của họ đã được đền đáp. Hiện tại, đoàn nghiên cứu sở hữu mẫu vật tinh tế của một con giáp long dài khoảng 2 mét có đuôi trông giống như một chiếc lá dương xỉ.

Tên chi của loài khủng long, Stegouros, bắt nguồn từ các từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mái nhà” (stego) và “đuôi” (uros) để mô tả cái đuôi bọc giáp của chúng. Trong khi đó tên loài của chúng, elengassen, đề cập đến một con thú thiết giáp trong thần thoại của người bản địa Aónik’enk.

Stegouros elengassen rất khác biệt với giáp long ở Laurasian. Lớp giáp của nó mỏng hơn và đi kèm với vài hàng vảy xương và có “cái đầu khá lớn với mỏ cong và hẹp, điều không phổ biến ở các loài giáp long khác” - theo Vargas – “Nó có các chi mảnh mai hơn... Nó không có móng vuốt nhọn; Nó có các móng vuốt tròn giống móng guốc ở cả bàn tay và bàn chân”.

Đặc điểm đặc biệt nhất của Stegouros elengassen - chiếc đuôi của nó - là chiếc đuôi ngắn nhất so với bất kỳ loài giáp long nào được biết đến. Nó được tạo thành từ bảy cặp vảy xương lớn và dẹt. Hai cặp đầu tiên ở gần cơ thể và năm cặp tiếp theo được hợp nhất với nhau như một vũ khí dẹt và mạnh mẽ. Ngược lại, các loài giáp long khác có cặp gai hoặc chùy trên đuôi của chúng.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu giáp long từ Laurasia có thông qua cách nào đó du hành về phía Nam để cư trú tại Gondwana hay không. Nhưng giờ đây, Stegouros elengassen, loài giáp long đầu tiên được nghiên cứu hoàn chỉnh ở Nam bán cầu, cho thấy rằng nó và hai loài giáp long ở Nam bán cầu khác - Antarctopelta, từ Nam Cực, và Kunbarrasaurus, từ Australia - đang thiếu nhiều đặc điểm chuyên biệt mà giáp long phương Bắc có từ giữa kỷ Jura.

“Tất cả chúng ta đều biết đuôi chùy, đuôi gai nhưng đây là một dòng giống mới… một dòng giống từ Nam bán cầu đã phát triển ra loại vũ khí đuôi thứ ba” – nhà nghiên cứu Alexander Vargas cho biết.

Theo livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ