Phát hiện hóa thạch bọ cạp biển khổng lồ

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu đã tìm được hóa thạch thuộc về loài bọ cạp khổng lồ, chiều dài đến 1 mét, sống cách đây khoảng 435 triệu năm tại khu vực hiện là rung Quốc.

Các phần hóa thạch của bọ cạp biển và hình mô phỏng được phục dựng lại.
Các phần hóa thạch của bọ cạp biển và hình mô phỏng được phục dựng lại.

Các nhà khảo cổ học đã khai quật thành công hóa thạch của con bọ cạp, tên khoa học là Terropterus xiushanensis. Đây là một loài chân đốt cổ đại có quan hệ gần gũi với loài nhện hiện đại. Các chân gai của bọ cạp biển khổng lồ được sử dụng để bắt con mồi, tương tự như ở loài nhện.

“Các chi có gai của nó có lẽ từng được sử dụng để bắt mồi và ta có thể thấy sự giống nhau với loài nhện roi (bọ cạp roi) trong số các loài nhện qua kết cấu giỏ bắt được hình thành bởi các móng gai”, theo đồng tác giả Bo Wang của Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh (Trung Quốc).

Loài sinh vật đáng sợ này sống trong Kỷ Silur, khoảng 443,8 triệu - 419,2 triệu năm trước. Terropterus xiushanensis sử dụng những cánh tay khổng lồ, chứa đầy gai để lùa cá và những loài động vật nhuyễn thể vào miệng.

Đặc điểm nổi bật nhất của bọ cạp khổng lồ là hai chiếc càng sắc nhọn dùng để bắt mồi. “Mặt trong là lớp gai có độc, có thể khiến con mồi tê liệt. Terropterus xiushanensis là kẻ săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái đầu Kỷ Silur vì không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Bọ cạp biển cổ đại có nhiều kích cỡ, nhỏ nhất bằng bàn tay con người và lớn nhất có thể to bằng một người trưởng thành. Tuy nhiên, loài bọ cạp biển Terropterus xiushanensis mới, được các nhà nghiên cứu mô tả là dài khoảng 1m, bằng kích thước của một con chó. Đây là loài đầu tiên thuộc họ Mixopteriade được phát hiện sau 80 năm.

“Kiến thức của chúng tôi về những loài sinh vật kỳ lạ này chỉ giới hạn ở bốn loài trong ai chi được mô tả cách đây 80 năm: Mixopterus kiaeri từ Na Uy, Mixopterus multispinosus từ New York, Mixopterus simonsoni từ Estonia và Lanarkopterus dolichoschelus từ Scotland”, theo Wang và các đồng nghiệp viết trong nghiên cứu.

Terropterus xiushanensis cũng là loài bọ cạp biển đầu tiên được phát hiện tại địa phận của siêu lục địa cổ đại Gondwana. Cách đây khoảng 180 triệu năm, Gondwana tách thành châu Phi, Nam Mỹ, Nam Cực... Ngoài ra, hai mảnh vỡ từ siêu lục địa Gondwana va vào nhau, dần dần tạo thành miền Bắc và miền Nam Trung Quốc ngày nay.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc dựa trên hai mẫu hóa thạch bọ cạp biển khổng lồ. Một được tìm thấy gần Vũ Hán, tỉnh Hồ Nam và hóa thạch còn lại được tìm thấy ở Tú Sơn, tỉnh Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc.

Phát hiện này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu thêm về sự sống trong các thời đại địa chất quá khứ và hiểu được quá trình tiến hóa của động vật chân đốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ