Phát hiện hành tinh khả năng có sự sống

GD&TĐ - Việc tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời (ngoại hành tinh) đang đi vào giai đoạn mới. Nhóm các nhà khoa học ở Đại học Geneve (Thụy Sĩ) dưới sự dẫn dắt của nữ Giáo sư Helen Giles vừa phát hiện ngoại hành tinh EPIC48847494b ở cách chúng ta khoảng 1.800 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này rất đặc biệt theo nhiều phương diện và có thể có sự sống.

Phát hiện hành tinh khả năng có sự sống

Các nhà thiên văn học có một số cách tìm kiếm ngoại hành tinh, trong đó phương pháp transit là phổ biến nhất. Phương pháp này dựa trên việc phát hiện sự suy giảm độ sáng của một ngôi sao khi có hành tinh di chuyển ngang qua nó. Nhờ phương pháp transit, các nhà khoa học đã phát hiện hàng ngàn hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Vấn đề là ở chỗ, để khẳng định sự tồn tại của một ngoại hành tinh nào đó, thông thường phải quan sát được ít nhất là 3 lần transit.

Đối với các hành tinh có quỹ đạo ngắn - từ vài ba ngày đến vài ba tuần, thì đây không phải là vấn đề phức tạp, tuy nhiên trong trường hợp các thiên thể có quỹ đạo dài hơn thì sự rắc rối bắt đầu xuất hiện. Các hành tinh di chuyển trên quỹ đạo một vòng tương đương một năm trên Trái đất thì rất khó phát hiện bằng phương pháp transit, bởi đòi hỏi phải quan sát ngôi sao chủ trong một thời gian dài. Chính vì vậy, các nhà khoa học ít khi phát hiện những thiên thể dạng này.

Các hành tinh có quỹ đạo ngắn nhìn chung di chuyển gần ngôi sao chủ, ở khu vực có nhiệt độ quá cao, không thể duy trì sự sống - ngoại trừ những trường hợp ngoại hành tinh quay xung quanh những ngôi sao lùn nguội lạnh. Các hành tinh ở trong khu vực có thể sống được, quay xung quanh những ngôi sao tương tự như Mặt trời của chúng ta, thường có quỹ đạo dài hơn.

Chính vì lẽ đó, việc phát hiện ngoại hành tinh EPIC48847494b là rất đặc biệt. Đây là hành tinh monotransit, bởi các nhà khoa học phát hiện ra nó chỉ sau một lần quan sát transit. “Thông thường, để tìm kiếm ngoại hành tinh transit, cần ít nhất 3 lần transit. Phần lớn các chương trình tự động tìm kiếm thiên thể trong quá trình transit đều có các thuật toán thích hợp. Tuy nhiên, kỹ thuật của chúng tôi tỏ ra hiệu quả hơn” - nữ Giáo sư Helen Giles cho biết.

Kỹ thuật mới có thể có ý nghĩa lớn đối với việc tìm kiếm ngoại hành tinh trong tương lai, đặc biệt là tìm kiếm các ngoại hành tinh có kích cỡ tương đương Trái đất. Cho đến nay, các nhà khoa học mới phát hiện được một số ít hành tinh monotransit - phần lớn trong số chúng có quỹ đạo ngắn. Ngoại hành tinh EPIC48847494b là đối tượng đặc biệt bởi nó quay xung quanh ngôi sao chủ một vòng hết 10 năm Trái đất. Như vậy, đây là ngoại hành tinh monotransit có quỹ đạo dài nhất từ trước tới nay.

Ngoại hành tinh EPIC48847494b về thực chất là hành tinh khí khổng lồ, nên có thể có vệ tinh (giống như các hành tinh khí trong Hệ Mặt trời đều có vệ tinh). Thậm chí nếu như trên ngoại hành tinh EPIC48847494b không có sự sống, thì trên vệ tinh của nó tình hình có thể sẽ khác.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hi vọng sự sống tồn tại ngay trên ngoại hành tinh này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.