Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo tỉnh Nghệ An; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cùng đại diện các Sở VHTT&DL, Sở VH&TT, Sở VHTTTT&DL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” nhằm khẳng định thông điệp và quyết tâm cao của toàn ngành trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021… trong đó, môi trường văn hóa được xác định là gốc của việc chấn hưng và phát triển văn hóa.
Năm 2022, ngành văn hóa xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là trọng tâm, trung tâm để thúc đẩy cho phát triển du lịch. Vì vậy ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ cốt lõi xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, đảm bảo mọi thành viên cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền.
Về công tác tổ chức cán bộ, Bộ VH,TT&DL đề ra nhiệm vụ thực hiện tốt các chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, môi trường văn hóa là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy. Môi trường văn hóa cũng là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới, nơi tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn - sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển gia đình thực sự, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, nếp sống, lối sống cho mỗi người. Kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nền nếp.
Các hoạt động văn hóa cần gắn với việc xây dựng môi trường an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội.
Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là của cả hệ thống chính trị, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại cơ quan, đơn vị, gia đình.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị, đạo đức, mà còn phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu rộng, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa.