Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nêu rõ: “Cái cao quý của một đất nước, một dân tộc là ở giá trị văn hóa”. Bởi văn hóa là gốc rễ nên việc chấn hưng văn hóa là điều cần thiết, nhất là trong thời buổi hôm nay.
Tại sao phải “chấn hưng văn hóa”?
Văn hóa là yếu tố thấm sâu trong đời sống xã hội và con người. Nước ta là đất nước có bề dày văn hóa được lưu truyền và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính văn hóa đã góp phần làm nên diện mạo rạng rỡ của đất nước.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống trở nên gấp rút, vội vã, đặc biệt là quá trình hội nhập ít nhiều gây ra hiện tượng “lai căng”, “mất gốc”, văn hóa dân tộc bị ảnh hưởng phần nào. Trước tình hình đó, việc “chấn hưng văn hóa” là điều cấp thiết hơn bao giờ hết. “Chấn hưng văn hóa” để trở về quỹ đạo của văn hóa truyền thống nhưng vẫn mở lòng để tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của nhân loại.
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục?
Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới (Nhật Bản, Singapore, Anh Quốc…) đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bởi lẽ giáo dục có tác động to lớn đến toàn bộ đời sống, xã hội. Có lẽ không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích bằng việc đầu tư cho giáo dục. Thông qua hoạt động giáo dục, mỗi công dân sẽ có ý thức trong việc hình thành nhân cách, trau dồi đạo đức, bồi dưỡng trí tuệ và nâng cao chuyên môn. Nhận ra tầm quan trọng của giáo dục, có thể khẳng định “chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục” là chỉ đạo sáng suốt, thiết thực và dễ dàng thực hiện, chắc chắn sẽ đem lại những kết quả đáng mong đợi.
Giáo dục tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc chính là sức mạnh của một quốc gia, sự gắn bó chặt chẽ giữa những người cùng chung tiếng nói, khát vọng đánh đuổi giặc ngoại xâm, các thế lực thù địch để bảo vệ quê hương. Giáo dục tinh thần dân tộc là củng cố lòng tự tôn dân tộc để công dân luôn trong tâm thế tự hào về một đất nước có truyền thống anh hùng; niềm kiêu hãnh về những giá trị văn hóa truyền thống, sự nỗ lực bảo vệ thuần phong mỹ tục, lời ăn tiếng nói của dân tộc; ý thức chủ quyền dân tộc, sẵn sàng tranh đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.
Đất nước ta có rất nhiều truyền thống văn hóa quý báu, phong phú và không hề trộn lẫn với bất kỳ nền văn hóa của một đất nước nào khác. Mặc dù có sự ảnh hưởng ít nhiều từ các nước lân cận, song văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại với bản sắc riêng. Chúng ta có quyền tự hào về những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Khi được giáo dục tinh thần dân tộc, mỗi công dân Việt Nam sẽ biết trân quý hơn bản sắc văn hóa của đất nước.
Những đứa trẻ ngay khi còn nhỏ đã biết yêu quê hương, tự hào vì mình được sinh ra và trưởng thành trên một đất nước anh hùng. Những người trưởng thành trong quá trình tiếp thu văn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới sẽ ý thức được “điểm dừng”, tiếp thu có chọn lọc, tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ lấy cái gốc rễ của mình, không để văn hóa nước nhà bị lai căng, pha tạp.
Một thực tế đáng buồn ngày nay: Nhiều người Việt Nam mang “mác” người trẻ hiện đại, chọn cho mình lối “theo Tây”, khước từ cái “mác” người Việt Nam khi giao lưu với bạn bè quốc tế. Họ hô hào lối sống hiện đại, phóng khoáng và đôi khi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt. Vấn đề đặt ra là làm sao để những người trẻ hiện đại ấy tự hào vì mình là người Việt Nam. Chắc chắn rằng, họ có thể tạm thời khước từ văn hóa của dân tộc mình chứ không thể khước từ giáo dục. Vì thế, việc giáo dục tinh thần dân tộc sẽ giúp họ ngoảnh lại, trông về văn hóa nước nhà, biết trân trọng và tự hào về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Giáo dục cách ứng xử. “Văn hóa ứng xử” - một khái niệm không hề xa lạ trong xã hội ngày nay. Văn hóa ứng xử bao gồm văn hóa lời nói và văn hóa cử chỉ, hành động, góp phần làm nên nhân cách con người. Văn hóa ứng xử chính là một trong chuẩn mực cho sự phát triển nhân cách, thước đo cho những giá trị xã hội.
Ngày nay, một bộ phận người có văn hóa ứng xử không đẹp, thiếu hụt văn hóa. Người Việt Nam ta xưa nay chú trọng việc đi thưa về chào, lễ độ, lịch sự trong giao tiếp (đặc biệt với những người lớn tuổi hơn mình), đoàn kết tương trợ lẫn nhau, sống lành mạnh và làm tròn bổn phận của một người công dân.
Vậy mà không ít người đã vi phạm vào chuẩn mực của văn hóa ứng xử để lại hình ảnh xấu trong mắt người đối diện. Họ phát ngôn bừa bãi, “văng tục” trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter…), dùng ngôn ngữ “Ta - Tàu - Tây nhố nhăng”, lẫn lộn, ngôn ngữ tuổi “teen” dị hợm đánh mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, những tiếng đệm thô tục tuôn ra hàng loạt, những hành động thô bạo như đánh nhau, dùng vũ lực để giải quyết câu chuyện, những trò “lộ hàng”, “tạo scandal” để đánh bóng tên tuổi… cũng phản ánh phần nào sự xuống cấp của văn hóa ứng xử.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, đó chính là tiêu chí chung của ngành Giáo dục. Học lễ độ, đạo đức trước khi học kiến thức là điều vô cùng cần thiết. Khi đưa những bài giảng về cách ứng xử vào hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, mỗi học trò sẽ được củng cố văn hóa ứng xử, biết quan tâm đến việc trau dồi nhân cách, bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách, tự hoàn thiện bản thân và làm giàu vốn văn hóa của mình.
Khi được học những bài học về cách ứng xử chuẩn mực, những đứa trẻ sẽ biết đi “thưa” về “chào”, kính trên nhường dưới, yêu thương gia đình, lễ phép với ông bà, cha mẹ, sống chia sẻ và nhường nhịn, tương trợ và đùm bọc lẫn nhau… và trở thành người công dân tốt. Những việc làm ấy, tuy nhỏ bé nhưng góp phần nâng cao sự phát triển của xã hội, đưa đất nước ta trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.