Thanh Hóa: Tiếp tục bắt thêm 3 đối tượng truy nã trong “Tập đoàn tín dụng đen”

GD&TĐ - Cơ quan Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt thêm 3 đối tượng bị truy nã trong “Tập đoàn Nam Long”- một tổ chức chuyên hoạt động “Tín dụng đen”.

Những đối tượng của "Tập đoàn Nam Long" bị bắt giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp)
Những đối tượng của "Tập đoàn Nam Long" bị bắt giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp)

Chiều nay (28/4), nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cơ quan CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ thêm 3 đối tượng truy nã – là thành viên trong “Tập đoàn Nam Long” – một tổ chức chuyên hoạt động “tín dụng đen” quy mô lớn trên cả nước.

Các đối tượng truy nã vừa bị CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, gồm: Ngô Quang Đông, sinh năm 1971, trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng; Phạm Đức Duy sinh năm 1981, trú tại Tân Thành, Dương Kinh, Hải Phòng; Trần Quang Trung sinh năm 1988, trú tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngô Quang Đông. Ảnh: Công an cung cấp.
Ngô Quang Đông. Ảnh: Công an cung cấp. 

Các đối tượng nêu trên bị Cơ quan CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã do liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của “Tập đoàn Nam Long”.

Như GD&TĐ đã đưa tin, “Tập đoàn Nam Long” do Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, trú tại phường Cầu Kho, Quận 1, TP HCM) cầm đầu, trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty.

“Tập đoàn Nam Long” của Nguyễn Đức Thành có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh. Các đối tượng đã tạo vỏ bọc hợp pháp với danh nghĩa là Cổ phần tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam, thuê trụ sở, mở 26 chi nhánh, sau đó in card visit quảng cáo để cho vay nặng lãi.

Phạm Đức Duy. Ảnh: Công an cung cấp.
Phạm Đức Duy. Ảnh: Công an cung cấp. 

Hình thức kinh doanh cho vay tài chính của “Tập đoàn Nam Long”, như sau: Hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, thì mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay. Còn hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày, thì mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay. Ngoài ra, còn một loại hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày.

“Tập đoàn Nam Long” cũng tự ban hành các quy định để quản lý nhân viên, như: Bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình...Thủ đoạn hoạt động “Tập đoàn Nam Long” là tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng “vu khống”; sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau ở nhiều ngân hàng tạo thuận lợi cho việc khách hàng nộp lãi mặt khác chi nhỏ rủi ro khi bị phát hiện... Đã có nhiều trường hợp nhân viên của “Tập đoàn Nam Long” đe dọa bạo lực, sử dụng bạo lực để đòi nợ ở TP Cà Mau, tỉnh Lạng Sơn…

Trần Quang Trung. Ảnh: Công an cung cấp
Trần Quang Trung. Ảnh: Công an cung cấp

Theo thống kê 23/70 tài khoản ngân hàng “Tập đoàn Nam Long” có số tiền giao dịch hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực, tại 63 tỉnh, thành phố. Tính đến 11/2018, Cơ quan CSĐT đã xác định được 12/26 khu vực có số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại vay vốn có đủ số tiền từ 30 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Cơ quan công an cũng đã xác minh được 100 khách hàng vay tiền của “Tập đoàn Nam Long”.

Hiện nay, Cơ quan CSHS Công an Thanh Hóa vẫn  đang tích cực phối hợp với các Cục CSHS, các cục nghiệp vụ - Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục điều tra, xử lý vụ án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.