Phận người dưới tán rừng thông

GD&TĐ - Lênh đênh từ các tỉnh phía Bắc vào Kon Tum làm nghề cạo nhựa thông, rất nhiều người dân dựng lều tạm để ở. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn dưới những cánh rừng thông bạt ngàn.

Bữa tối của mấy mẹ con chị Đặng Thị Liễu chỉ là gói mì tôm và vài miếng thịt còn sót lại từ trưa.
Bữa tối của mấy mẹ con chị Đặng Thị Liễu chỉ là gói mì tôm và vài miếng thịt còn sót lại từ trưa.

“Rày đây mai đó”

Mặt trời đã dần đứng bóng, nhưng hàng chục bóng người vẫn cần mẫn, nhanh chóng di chuyển dưới những gốc thông tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, Kon Tum).

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông Mai Hồng Phượng (63 tuổi) thoăn thoắt dùng con dao chuyên dụng cạo những đường chéo nhỏ hình chữ V quanh gốc thông. Theo rãnh nhỏ từ vết cạo, dòng nhựa trắng đục chảy xuống túi nilon hứng sẵn bên dưới.

Khi trời chập choạng tối, ông Phượng thu gom đồ đạc trở về căn nhà của mình. Nói là nhà, nhưng thực ra chỉ là túp lều được quây tạm bằng mấy tấm bạt sờn cũ. Bên trong không có gì giá trị ngoài chiếc radio và đồ dùng nấu ăn.

Ông Phượng cho biết, 30 năm qua ông đã lang bạt hơn 10 tỉnh, thành để cạo nhựa thông. Vì cuộc sống “rày đây mai đó” nên ở những nơi đi qua ông chỉ dựng tạm cho mình chiếc lều bằng bạt để lấy chỗ che mưa, che nắng.

“Tôi quê ở Lạng Sơn, nhưng do dịch Covid-19 nên đến 3 năm nay chưa về nhà. Cũng nhớ nhà, nhớ quê hương lắm, nhưng theo nghề này nên đành phải chấp nhận. Ít lâu nữa hết dịch tôi sẽ về thăm quê nhà”, ông Phượng nói.

Người đàn ông ở cái tuổi U60 tâm sự, trước đây ông làm ở một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do áp lực công việc nên ông chỉ làm được một thời gian rồi nghỉ. Trải qua thêm một thời gian làm nhân viên bảo vệ rừng thì ông gắn bó với nghề cạo nhựa thông.

Ông Phượng kể: Nghề này, không phải muốn đi là được mà sẽ đi theo nhóm vài chục người. Sau khi các nhà thầu kí hợp đồng với chủ rừng thông thì sẽ khoán lại cho những người như ông thu hoạch. Những tháng nắng thì ông thu nhập được khoảng 7 triệu đồng. Nhưng khi mưa xuống thì mọi người chỉ đành ở nhà, ăn uống qua ngày và mong sớm có nắng.

Mỗi ngày, khi trời chưa sáng tỏ mọi người kéo nhau đi cạo nhựa thông, đến tận tối mới lướt thướt trở về nhà. Những gốc thông không được trồng theo hàng, thẳng lối, dây gai, cây dại trên rừng quấn chằng chịt. Mỗi khi muốn cạo nhựa, ông Phượng phải dùng dao phát bớt để lấy đường đi vào. Đến cuối tháng, khi nhựa thông đông lại, mọi người mới gom các túi nilon để giao cho chủ rừng.

“Cây thông chẳng giống cây cao su, nên ngày nào cũng phải cạo. Nếu không thì nhựa không thể chảy ra được. Mỗi ngày tôi đều phải cạo vỏ cho khoảng 3.500 cây thông. Thông chẳng ngay hàng, thẳng lối nên quãng đường đi lại chắc lên đến 8 - 9 km. Ban đầu mỏi chân và mệt lắm, nhưng tôi đi mãi rồi cũng quen”, ông Phượng nói.

Ông Phượng cho hay, mỗi tỉnh ông chỉ ở lại vài năm rồi lại sang nơi khác để cạo nhựa thông. Do đó, nơi ở chỉ là những túp lều tạm bợ. Khó khăn nhất của những người cạo mủ thông như ông là đồ ăn và nước uống. Có những đợt cạo nhựa ở xa khu dân cư, đường sá khó đi lại nên ông phải hứng nước mưa để dự trữ, còn bữa cơm hàng ngày chủ yếu là cá khô và rau dại.

“Một mình lang bạt khắp nơi, nhiều lúc buồn, đau ốm tôi chẳng biết gọi ai. Ngay cả sóng điện thoại và đài radio cũng yếu nên chỉ có chú chó bầu bạn. Mỗi ngày tôi lại động viên bản thân cố gắng, rồi sẽ có một ngày trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình”, ông Phượng chia sẻ.

Lênh đênh phận đời

Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, cho biết, trên địa bàn hiện có 22 người từ các tỉnh phía Bắc đến cạo nhựa thông. Khi đến đây, người dân đều được hướng dẫn đăng kí tạm trú tạm vắng để địa phương theo dõi, quản lý.
Ông Tuệ cho hay, những người này chỉ đến địa phương cạo nhựa thông một vài năm rồi đi nơi khác. Do đó, người dân chỉ dựng tạm lều bằng bạt để che mưa, che nắng qua ngày. Cuộc sống của những người dân này lênh đênh khắp nơi, ăn ở tạm bợ nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Cũng như ông Phượng, chị Đặng Thị Liễu (40 tuổi, quê Lạng Sơn) phải dậy từ sớm để chuẩn bị đồ nghề, cơm nước cho con cái. Ban ngày, chị đi cạo nhựa thông, còn cậu con trai là Nguyễn Duy Lâm (7 tuổi) quanh quẩn ở nhà chơi một mình.

Thấy có người lạ ghé nhà, cậu bé nhanh nhảu chào rồi chạy ra hỏi thăm. “Cô chú ở phố đến đây ạ, mẹ cháu đi cạo nhựa rồi, chút nữa mới về”.

Trong túp lều trống huơ trống hoác, cậu bé lên 7 đang nô đùa với con mèo. Lâm kể, trên đây mỗi ngày mẹ đi làm, cháu chỉ biết chơi một mình. Ở nhà buồn, nhiều hôm Lâm xin đi theo mẹ nhưng bị từ chối thẳng thừng.

“Trên đây, cháu buồn lắm, mẹ đi làm suốt chẳng ai chơi cùng. Cháu xin đi theo để phụ mẹ, nhưng mẹ không cho, chắc sợ cháu mệt. Trong thời gian mẹ vắng nhà, cháu chỉ biết làm bạn với chú mèo hoặc xúc đất nghịch”, Lâm nói.

Dứt lời, cậu bé Lâm gọi lớn “A, mẹ về, mẹ về rồi”, sau đó chạy vội ra ôm chầm lấy chân mẹ. Phía xa, Mặt trời cũng dần khuất dưới chân núi.

Rửa qua đôi bàn tay dính đầy nhựa thông, chị Liễu nhóm lửa bắc nồi nước rồi ngồi trước hiên nhà nghỉ mệt. Chị kể, cách đây hơn 20 năm chị vào Kon Tum. Sau đó lập gia đình, nhưng hôn nhân không hạnh phúc. Khi cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, chị dắt díu các con về quê, nhưng lại nghe những lời dị nghị từ hàng xóm. Xót xa, tủi hờn, chị lại dắt các con trở lại Kon Tum rồi xin đi cạo nhựa thông.

Mấy mẹ con nương tựa nhau trong túp lều cũ kĩ, dột nát. Cuộc sống lênh đênh qua ngày, cô con gái đầu xin về quê làm công nhân xưởng may. Còn con trai thứ 2 là Nguyễn Duy Nguyên (14 tuổi) học đến lớp 5 cũng nghỉ theo mẹ đi cạo nhựa. Giờ đây, 3 mẹ con chị Liễu nương tựa nhau sống qua ngày.

“Để có tiền lo cho người con út học con chữ mình nhận cạo 4.500 gốc thông. Mỗi ngày, người con thứ 2 cùng mình đi cạo, nhưng cháu còn nhỏ chỉ đi theo phụ được những việc nhẹ. Quần quật làm cả tháng mình cũng kiếm được khoảng 8 triệu đồng.

Trừ các khoản chi phí ăn, uống, sinh hoạt thì mình cũng tiết kiệm được ít tiền. Vì cuộc sống mưu sinh nên mình mới phải đưa con lang bạt cùng, chứ người mẹ nào mà chẳng thương con”, chị Liễu tâm sự.

Chị Liễu cho hay, ở trên đây sợ nhất là những ngày mưa. Túp lều tạm bợ không thể trụ được khi gió rít, mưa thốc vào từ 4 phía. Lúc đó, mấy mẹ con ướt sũng chỉ biết ôm nhau cầu cho mưa tạnh.

Khi bóng tối bao trùm khắp cánh rừng, căn nhà chị Liễu le lói ánh đèn điện. Mấy mẹ con chị quây quần trước chiếc bàn nhỏ, cũ sờn ăn tối. Tối nay mấy mẹ con chị chỉ ăn mì tôm với vài miếng thịt mỡ còn sót lại buổi trưa.

Chị Liễu nói như giãi bày: “Mình bận công việc với mệt quá nên chẳng kịp nấu bữa cơm đủ đầy. Nay pha tạm gói mì tôm ăn qua bữa”. Mặc dù, bữa tối đạm bạc nhưng sau khi mời khách dùng, cậu bé Duy Lâm ăn uống ngon lành, nở nụ cười rạng ngời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.