Nhổ lông gà, vịt bằng nhựa thông: Liệu có độc hại?

Thông tin từ các địa phương ĐBSCL, tình trạng sử dụng nhựa thông để nhổ lông gia cầm vẫn đang diễn ra phổ biến. Việc kiểm tra, xử phạt các điểm, cơ sở sử dụng chất trên rất khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa biết có… độc hại hay không?

Một cơ sở giết mổ gia cầm ở ấp Tân Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang bị phát hiện sử dụng hóa chất nhổ lông gia cầm. Ảnh: CTV
Một cơ sở giết mổ gia cầm ở ấp Tân Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang bị phát hiện sử dụng hóa chất nhổ lông gia cầm. Ảnh: CTV

Phổ biến tại nhiều địa phương

Mới đây, nhiều đơn vị chức năng tỉnh Hậu Giang phối hợp kiểm tra đột xuất một cơ sở giết mổ gia cầm ở ấp Tân Bình 1. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 60 lao động đang sử dụng dung dịch màu đen để làm sạch lông của trên 550 con gia cầm.

Theo đó, người lao động nhúng những con vịt vào lò chứa chất dung dịch màu đen rồi sau đó tiếp tục nhúng vào nước lã. Sau khi vào nước lã được một lúc, lớp lông gia cầm sẽ đông cứng lại, người lao động chỉ cần lột lớp màng đen đông cứng trên thì con gia cầm sẽ trắng sạch, nhìn bắt mắt.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, cơ sở giết mổ trên mới đi vào hoạt, mỗi ngày giết mổ trên 2.500 con vịt và dung dịch màu đen trên có thể là nhựa thông.

“Chúng tôi đã gửi mẫu đi kiểm tra, phân tích. Nếu nó là nhựa thông và trong mẫu thịt gia cầm chúng tôi gửi đi có tồn dư hóa chất trên thì sẽ tiến hành tiêu hủy và xử phạt cơ sở giết mổ.

Nhựa thông là chất không nằm trong danh sách cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm” - Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết.

Trước đây, từ tháng 8/2012 đến tháng 10/2014, tỉnh Hậu Giang liên tiếp phát hiện các cơ sở giết mổ gia cầm sử dụng nhựa thông để nhổ lông gia cầm.

Ông Đức cho rằng: “Các cơ sở giết mổ gia cầm rất tinh vi, thường sử dụng chất nhựa thông làm sạch lông để tăng lợi nhuận. Theo tôi biết, các địa phương khác ở ĐBSCL, có nhiều điểm giết mổ gia cầm vẫn sử dụng chất trên nhưng chưa nơi nào kiên quyết xử lý như Hậu Giang”.

Theo Chi cục Thú y TP.Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có vài điểm giết mổ gia cầm sử dụng chất nhựa thông để làm sạch lông. Tuy nhiên, do chưa có văn bản cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm từ đơn vị quản lý cấp trên nên Chi cục Thú y chưa kiểm tra, xử phạt được.

“Trong quá trình sử dụng chất nhựa thông làm sạch lông gia cầm, khí độc sẽ bay lên trên và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động.

Do nhựa thông không nằm trong danh sách cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức cấm sử dụng nên chúng tôi chưa thể kiểm tra, xử lý nghiêm được” - Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ nói.

Chưa rõ có độc hay không

Sau khi xuất hiện thông tin về việc làm sạch lông gia cầm bằng nhựa thông, dư luận đã khá hoang mang do lo ngại chất nhựa thông này sẽ ngấm vào thịt gia cầm và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết: Muốn biết con gà, con vịt được nhổ lông bằng nhựa thông có độc hại không, có nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe không thì cơ quan chức năng phải làm xét nghiệm trên chính con gà, con vịt đó.

Tuy nhiên, về cơ bản, việc sử dụng hóa chất không được phép dùng cho thực phẩm để ngâm tẩm, sơ chế thực phẩm là không nên, không đảm bảo về an toàn thực phẩm.

“Tôi chưa nghe dùng nhựa thông nhổ lông gà vịt bao giờ. Còn trong công nghệ làm đẹp, nhựa thông vẫn hay được dùng để triệt lông trên cơ thể người" - Chuyên gia này chia sẻ thêm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội) phân tích: “Nhựa thông có chứa chất colofan, đây là một chất keo.

Khi người vặt lông gà nhúng gà vào chất keo này thì toàn bộ lông gà kết dính lại với nhau giúp nhổ lông sạch hơn. Về nguyên tắc thì loại chất này không có gây ảnh hưởng đến thực phẩm.

Bởi vì đây là chất tác động kết dính để nhổ lông mà thôi. Sau đó, khi người làm rửa sạch gà đi thì chất colofan không nhiễm độc vào trong con gà”.

“Việc sử dụng chất này để nhổ lông gà đã có từ lâu lắm rồi chứ không phải là giờ mới bắt đầu có. Không chỉ ở miền Nam đâu, các cơ sở giết mổ ở Hà Nội cũng đều có” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ