Phần mềm hỗ trợ học tập trong môi trường thực tại ảo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hình thức tương tác ở đây là việc các bạn học sinh nhìn vào màn hình và có thể đưa ra câu hỏi hoặc giải quyết các vấn đề mà thầy cô đặt ra.

Hình ảnh bài học trên hệ thống.
Hình ảnh bài học trên hệ thống.

Kiến thức trở nên sinh động

Anh Huỳnh Viết Thám, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TPHCM thuộc Vườn ươm Sáng tạo KH&CN Trẻ TPHCM và cộng sự vừa nghiên cứu thành công phần mềm hỗ trợ học sinh học tập trong môi trường thực tại ảo. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp thành phố, do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ chủ trì thực hiện, được nghiệm thu năm 2021.

Anh Huỳnh Viết Thám - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, thực tại ảo và thực tại tăng cường là một trong những xu hướng công nghệ giáo dục trong những năm gần đây. Những công nghệ này có liên quan đến việc xử lý đồ họa thông minh kết hợp giữa thế giới thực và không gian ảo, giúp học sinh, sinh viên hiểu bài nhanh hơn, giúp chuyển tiếp các kiến thức khô khan, trừu tượng trở nên dễ hiểu và sinh động hơn.

Bên cạnh đó, những ứng dụng về thực tại ảo và thực tại tăng cường còn cung cấp hình ảnh đẹp mắt, chân thực tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên tương tác với giáo viên và với bài học.

Đại đa số các sản phẩm thực tế ảo hiện nay nghiêng về xu hướng game là chính, các trò chơi đua xe, bắn súng… được nhiều công ty tập trung phát triển. Thực tế ảo giúp tăng trải nghiệm cho người sử dụng, vì vậy các trò chơi này nhận được sự quan tâm của mọi người.

Về giáo dục tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo phát triển giúp trải nghiệm của người học được chân thực hơn. Tuy nhiên, sản phẩm được phát triển dưới hình thức thực tế ảo tăng cường (AR) và chưa có sự tương tác giữa những người học với nhau. Trong khi đó, với phương pháp học tập hiện nay, có thể thấy học trực tuyến thông qua Zoom, Shub Classroom hay Google Classroom trở nên phổ biến.

Với hình thức học tập này, các bạn học sinh có thể học tập ngay tại nhà thông qua điện thoại thông minh hoặc laptop có camera để có thể tương tác với nhau. Hình thức tương tác ở đây là việc các bạn học sinh nhìn vào màn hình và có thể đưa ra câu hỏi hoặc giải quyết các vấn đề mà thầy cô đặt ra.

Từ mục tiêu này, nhóm nghiên cứu bắt tay xây dựng phần mềm mục đích nghiên cứu và xây dựng hệ thống hỗ trợ dạy và học trong môi trường ảo kết hợp tương tác tự nhiên, thử nghiệm một số bài giảng sử dụng công nghệ thực tại ảo kết hợp với thông tin tăng cường và hỗ trợ tương tác tự nhiên, triển khai thực tế phục vụ chuyến xe công nghệ.

Tương tác trong môi trường thực tại ảo

Nhóm tác giả đã tìm hiểu và xây dựng một số bài giảng dựa vào nội dung sách giáo khoa nhằm bám sát với kiến thức học tập tại lớp học. Phần mềm được xây dựng có khả năng cho phép người học xem và tương tác với vật thể ảo trong môi trường thực tại ảo của bài giảng. Phần mềm triển khai được để hiển thị và tương tác trên thiết bị Oculus Quest 2.

Anh Huỳnh Viết Thám cho biết, nhóm đã xây dựng thành công 10 bài giảng, cho phép người học tương tác trong môi trường thực tại ảo, hướng đến nhiều nhóm người học khác nhau. Trong đó, 1 bài giảng chung giúp các em làm quen thiết bị.

3 bài giảng cho học sinh tiểu học (bài giảng tiếng Anh, cơ thể người và vòng tuần hoàn của nước); 3 bài giảng cho học sinh trung học cơ sở (bài giảng về giải phẫu ếch, Hệ Mặt trời, tim và mạch máu). 3 bài giảng cho học sinh trung học phổ thông (thí nghiệm hóa học, thái dương hệ và biểu diễn vật thể ba chiều).

Các phần mềm hiện tại có thể vận hành tốt trên thiết bị có sẵn của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ. Hệ thống có thể triển khai thực tế phục vụ cho hoạt động Chuyến xe công nghệ.

Ngoài ra, hệ thống tương tác phục vụ thí nghiệm ảo hỗ trợ giáo dục STEM sẽ được Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ áp dụng vào các chương trình trải nghiệm khoa học cho học sinh trên toàn thành phố.

Nhóm hy vọng hệ thống tương tác sẽ là công cụ đắc lực giúp cho hoạt động trải nghiệm STEM ngoài giờ học chính thức của học sinh trở nên phong phú hơn. Từ công cụ này góp phần tạo động lực cho học sinh đam mê khoa học, định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có thể tiếp nhận và chuyển giao kết quả nghiên cứu này nhằm áp dụng vào các chương trình dạy và học cho học sinh tại trường học, trung tâm giáo dục. Nhóm sẵn sàng hợp tác hỗ trợ.

Nhóm tác giả cũng tiếp tục hoàn thiện các bài giảng và nghiên cứu mở rộng thêm các tính năng như sử dụng trên nhiều thiết bị hơn, cải thiện hiệu năng, tối ưu một số thuật toán tương tác người - máy, ứng dụng công nghệ mới vào bài giảng nhằm giúp cho bài giảng trở nên hoàn thiện hơn, đạt hiệu quả cao hơn; cải thiện lại một số tính năng của hệ thống như cho phép người dùng tải model 3D lên hệ thống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?