Cảm động khi nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019, cô Diệp kể về cơ duyên đến với những học sinh đặc biệt của mình: “Từ khi là sinh viên, tôi đã làm gia sư dạy kèm cho một trẻ tự kỷ. Rồi khi ra trường, tôi dạy lớp học có một trẻ tự kỷ. Hằng ngày, nhiệm vụ của tôi chỉ là giữ cho em ngồi yên, luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học”.
Hiện nay, số trẻ gặp chứng bệnh khó hòa nhập ngày càng tăng. Hầu hết đều chưa được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Từ đó, cô Diệp mong muốn sẽ tìm ra phương pháp hiệu quả để giúp các em phát triển bình thường và hòa nhập với cuộc sống.
Tất cả những phương pháp giáo dục trẻ khó hòa nhập như dạy học bằng tranh ảnh, thẻ chữ, trực quan sinh động… cô Diệp đều đã thực hiện nhưng nhận thức của học sinh khó hòa nhập vẫn chưa cải thiện nhiều.
Nhận thấy có tới 90% học sinh khó hòa nhập mà cô dạy có niềm đam mê sâu sắc với máy tính, nhưng trên mạng Internet hiện nay chỉ có các phần mềm học tập dành cho học sinh bình thường và học sinh giỏi xuất sắc, bằng kinh nghiệm của giáo viên tiểu học gần 20 năm dạy trẻ tự kỷ, cô Diệp quyết định sẽ tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập.
Trước khi xây dựng phần mềm này, cô Diệp dành thời gian dài tìm hiểu về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ khó hòa nhập. Cô tham gia Câu lạc bộ Hội Cha mẹ có con tự kỷ tại Hà Nội. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đến các trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ để giao tiếp, trò chuyện với các em.
Lớp học có HS khó hòa nhập |
Cô tham gia các khóa học về trẻ tự kỷ của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế để có thêm kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt. Đến năm học 2018 - 2019, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, cô Diệp đã tổng hợp kiến thức thu nhận được thành phần mềm hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên Xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Theo cô Diệp, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập khác hẳn phần mềm cho học sinh bình thường. Bởi phần mềm dạy học sinh bình thường thiên về truyền tải kiến thức bằng chữ viết và tập trung vào hệ thống bài tập nâng cao. Còn đối với học sinh khó hòa nhập, phần mềm cần chú trọng nhiều hơn về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để các em dễ tiếp thu.
“Các em khó hòa nhập ham thích dùng máy tính, ham thích được làm những bài toán dễ và khi được khen, dù chỉ là rất ít, các em cũng vô cùng sung sướng. Mỗi lời khen của cô, mỗi tiếng vỗ tay của các bạn khiến cho các em say mê hơn với việc học. Dần dần, những kiến thức học được sẽ là bước tiến nhỏ để các em tập trung hơn trong giờ học” - cô Diệp chia sẻ.
Qua phần mềm, cô Diệp đã khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ cùng với mình để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phụ huynh giám sát con làm, sao lưu kết quả và tương tác được với giáo viên trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần Internet học sinh vẫn có thể sử dụng được.
Bằng tình yêu thương, sự bền bỉ không ngừng nghỉ, suốt 17 năm qua, cô Nguyễn Thị Bích Diệp đã đồng hành với hàng chục trẻ tự kỷ, từng bước giúp các em vượt lên bệnh tật, hòa nhập với cộng đồng. Có những trò mắc bệnh tự kỷ nặng được cô theo sát suốt 14 năm qua và hiện vẫn được cô quan tâm, giúp các em ngày càng hoàn thiện chính mình.