Phân luồng sau THCS: Cần hiểu đúng và đủ

GD&TĐ - Chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập ở hầu hết địa phương chỉ từ 70 - 75% số học sinh tốt nghiệp THCS.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa trường THCS, trung tâm GDNN - GDTX và trường nghề để tuyên truyền, thu hút thí sinh.

Chỉ học hết lớp 9

Ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thừa nhận, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập của Hòa Vang còn thấp. Điểm đầu vào của các trường THPT trên địa bàn huyện cũng không cao so với trường khác… Mỗi năm huyện phải phân luồng cho hơn 700 học sinh THCS nhưng học nghề cũng không dễ dàng. Những em này nếu không được đi học là điều đáng lo ngại, đặc biệt khi tình trạng vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng tăng.

Tỷ lệ học sinh không vào lớp 10 công lập của huyện Hòa Vang hằng năm rơi vào khoảng 30 - 34%. Trong số học sinh không đỗ, chỉ có khoảng 1,5% theo học các trường THPT ngoài công lập; 6% học sinh sau THCS theo học nghề tại các trường nghề; 10% học nghề tự do; 80% em đăng ký học các loại hình khác. Số học sinh sau tốt nghiệp THCS không học gì trong năm học 2022 - 2023 tăng vọt với tỷ lệ 23,33%. Trong khi con số này năm học 2021 - 2022 chỉ có 11,2%.

Tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hằng năm, có khoảng 12% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của toàn TP Đà Nẵng theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là 13,36%; con số này ở học sinh tốt nghiệp THPT là 17,29%. Trong khi đó, Đà Nẵng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ lệ lên ít nhất 30% và 35%.

Tương tự, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Quảng Nam cũng thấp và tăng không đáng kể qua từng năm. Năm 2015, Quảng Nam có 0,7% số học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học ở các trường nghề thì năm 2022 là 6,7%. Chỉ có năm 2020, tỷ lệ này đạt cao nhất với 10,4%.

Sau 3 năm Đà Nẵng triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2021 - 2023”, số lượng trường THCS có Chương trình Giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đạt tỷ lệ 88,33%. Trường THPT có Chương trình Giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương đạt tỷ lệ 67,65%.

Học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tìm hiểu thông tin về các trường nghề trong Ngày hội STEM và tư vấn hướng nghiệp của nhà trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tìm hiểu thông tin về các trường nghề trong Ngày hội STEM và tư vấn hướng nghiệp của nhà trường. Ảnh: NTCC

Khó thay đổi nhận thức

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2022, Phan Trí Hoàng Kiệt (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) trượt cả 2 nguyện vọng. Dự định ban đầu của gia đình sẽ cho Kiệt theo học chương trình 9+ tại Trường CĐ Nghề. Nhưng sau đó, gia đình thay đổi kế hoạch vì “con chưa biết mình phù hợp nghề nào, tuổi cũng còn nhỏ nên cho học hết THPT rồi tính”.

Thầy Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Tâm lý chung của phụ huynh là không yên tâm khi cho con học nghề mà chọn học các trung tâm giáo dục thường xuyên vì lý do con còn nhỏ”.

Đại diện Phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) cho rằng, phụ huynh ngại cho con học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì xa nhà khi tuổi còn nhỏ, khó quản lý. Vì vậy, từ sau năm 2020 trở đi, dù số học sinh sau THCS theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Nam tăng nhưng cũng chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu phân luồng của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) thông tin: Qua theo dõi, học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Giao thông trên địa bàn quận ổn định. Trong khi đó, học sinh học nghề ở những địa điểm cách xa thường bỏ học giữa chừng.

“Vì vậy, nếu các trường nghề mở thêm cơ sở ở địa bàn Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ… sẽ thuận lợi cho học sinh sau THCS theo học. Học nghề để phục vụ nghề nghiệp, cuộc sống của các em sau này. Do đó, bài toán đầu ra cần được các sở, ngành liên quan và cơ sở đào tạo nghề làm mạnh mới mong thu hút học sinh học nghề”, ông Lịch nêu quan điểm.

Tổ tư vấn tuyển sinh Sở GD&ĐT Đắk Lắk tặng quà học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Thành Tâm

Tổ tư vấn tuyển sinh Sở GD&ĐT Đắk Lắk tặng quà học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Thành Tâm

Tư vấn theo nhóm

Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, UBND các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với phụ huynh những học sinh không đủ điểm vào các trường công lập. Tham gia buổi đối thoại có cả trường THCS nơi học sinh vừa tốt nghiệp.

Nội dung buổi gặp, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng muốn tiếp tục đi học hay học nghề, UBND các phường còn mời trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh. Nếu điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía trường nghề và địa phương trong quá trình theo học.

Thầy Phạm Thanh Bửu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp – hướng nghề cho học sinh lớp 9: “Sẽ thuyết phục phụ huynh hơn khi con em họ có thể vừa học văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT vừa học nghề. Vì vậy, những học sinh học lực yếu, nhà trường tổ chức tư vấn riêng từng phụ huynh để đạt hiệu quả cao”.

Bà Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó, sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh THCS của 15/15 huyện, thị xã và thành phố.

“Tư vấn trực tiếp sẽ nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ, học sinh, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Phụ huynh, học sinh được giải đáp những câu hỏi về lựa chọn tổ hợp bộ môn, định hướng nghề nghiệp, việc làm. Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, cha mẹ và xã hội hiểu đủ, đúng về phân luồng sau THCS”, bà Thảo thông tin.

Có con đang học lớp 9, chị Tôn Nữ Mai Anh (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã được giải tỏa tâm lý rất nhiều sau khi tổ tư vấn của sở GD&ĐT giải đáp thắc mắc.

Con đầu của chị Mai Anh đang học lớp 11, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Năng. Chị cho biết, khi không đủ điều kiện xét tuyển vào trường THPT công lập, gia đình và con rất áp lực vì ai cũng nói, “học GDTX làm gì”.

“Nhưng sau khi được tư vấn việc học sau THCS phải phù hợp khả năng học tập, tôi nhận ra mình quan niệm chưa đúng. Tôi mải buôn bán, ít quan tâm việc học nên các cháu có học lực trung bình, thậm chí một số môn yếu. Nếu con học yếu mà cố chen vào THPT, chắc gì đã theo kịp các bạn. Từ đó có thể dẫn đến chán học, bỏ học, đi chơi thì nguy hiểm hơn”, chị Mai Anh nói thêm.

Krông Năng là huyện vùng sâu, điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục còn khó khăn, nhất là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho hay:

“Việc phối hợp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và phân luồng sau THCS cho học sinh, gia đình rất thiết thực. Giúp địa phương định hướng cụ thể tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp lớp 9 được học đúng tuyến, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Năm ngoái, một số người dân chưa hiểu hết việc phân luồng tuyển sinh dẫn đến phản ánh sai sự thật khi con không đủ điều kiện vào trường THPT”.

Năm học 2024 - 2025, dự kiến toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 31 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chỉ có hơn 23 nghìn vào được các trường THPT. Các trung tâm GDNN - GDTX sẽ tuyển hơn 5 nghìn học viên, số còn lại sẽ học ở các trường nghề kết hợp học văn hóa.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tuy hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương phát triển, đa dạng về ngành nghề, tuy nhiên công tác tư vấn nghề chưa sâu, dẫn đến việc thu hút học viên tham gia học nghề chưa cao. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng nhân lực chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tâm lý ngại học nghề của phụ huynh và học sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.