Phân loại, chia giai đoạn để ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả cao

GD&TĐ - Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho học sinh vào giai đoạn nước rút với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.

Phân loại, chia giai đoạn để ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả cao.
Phân loại, chia giai đoạn để ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả cao.

Năm 2022, Trường THPT Bãi Cháy có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 99,8%; số học sinh thi tốt nghiệp THPT có điểm trung bình cao (xếp thứ 5/46 trường THPT toàn tỉnh, tăng 2 bậc so với năm học 2020-2021), trường cũng có điểm số cao trong tổ hợp xét tuyển ĐH tăng nhiều so năm học trước. Đây là động lực và cũng là quyết tâm để tổ chức ôn thi trong năm học này giữ vững và nâng cao kết quả hơn trước.

Yêu cầu chất lượng

Thầy giáo Lưu Hải Tiền, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy cho biết: Để đảm bảo chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 này không chỉ giữ vững mà nâng cao kết quả so với năm trước. Chúng tôi tập trung bồi dưỡng, bổ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phù hợp với từng đối tượng; giúp các em thi đạt kết quả tốt trong kỳ thi quốc gia, đảm bảo đủ điểm xét tốt nghiệp, tuyển sinh vào Đại học theo nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.

Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn, tập trung ôn tập bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, ôn theo chủ đề; đảm bảo học sinh có kỹ năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng từ thấp đến cao; Nội dung ôn tập phải bao quát chương trình đã học, phù hợp với yêu cầu, không hướng dẫn học sinh học tủ, học lệch, quan tâm giúp học sinh nâng cao mức độ thông hiểu, vận dụng kiến thức, đặc biệt với đối tượng khá giỏi.

Sinh hoạt chuyên môn thường xuyên để bảo đảm hoạt động ôn thi tốt nghiệp cho học sinh thông suốt.

Sinh hoạt chuyên môn thường xuyên để bảo đảm hoạt động ôn thi tốt nghiệp cho học sinh thông suốt.

Đặc biệt, trong quá trình dạy học và ôn thi tốt nghiệp, phải bám sát chương trình GD phổ thông, trọng tâm là lớp 12, nội dung ôn tập theo dạng đề mở, tích hợp, tập trung rèn luyện cho học sinh phát huy tư duy, năng lực sáng tạo, liên hệ và giải quyết vấn đề trong thực tế, kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT với thời gian quy định. Chú trọng rèn kỹ năng tự học, hướng dẫn học sinh phương pháp ôn thi bộ môn đạt kết quả cao. – Thầy Lưu Hải Tiền đặc biệt nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, việc tổ chức các lớp ôn tập, cho học sinh được các tổ bộ môn tập trung đẩy mạnh tiến độ. Các giáo viên bộ môn, bên cạnh việc hoàn thành chương trình văn hóa theo quy định đã lồng ghép ôn tập, củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm cơ bản, hệ thống hóa kiến thức để học sinh đủ khả năng thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng tư duy, vận dụng kiến thức. Tất cả đều hướng đến mục đích, giúp học sinh có kiến thức tốt nhất để tự tin bước vào kỳ thi.

Căn cứ vào Kế hoạch của nhà trường, của nhóm chuyên môn, giáo viên được phân công dạy ôn tập phải xây dựng kế hoạch dạy của cá nhân để thực hiện. Trước khi lên lớp, giáo viên phải có kế hoạch bài học thể hiện rõ các nội dung: Yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức - kỹ năng, phương pháp dạy học, tiến trình lên lớp của giáo viên và hình thức tổ chức hoạt động của học sinh, dự kiến chia nội dung của từng chuyên đề theo từng tiết dạy trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh tự học ở nhà.

Chia giai đoạn ôn tập

Thầy giáo Lại Cao Kiên, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác xây dựng kế hoạch, triển khai ôn tập, cho biết: Chúng tôi chia thành các giai đoạn ôn tập, trong từng giai đoạn ôn tập theo chuyên đề/chủ đề và tổng hợp kiến thức, kỹ năng của Chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 để học sinh có kỹ năng làm bài thi theo từng bộ môn; sau mỗi chuyên đề/chủ đề có tổ chức kiểm tra theo định hướng đề thi tốt nghiệp THPT để đánh giá kết quả ôn tập của học sinh và thực hiện chấm, chữa bài cho học sinh để đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh.

Giáo viên tập trung ôn tập theo mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức rèn luyện kỹ năng giải quyết đề thi tốt nghiệp THPT.

Giáo viên tập trung ôn tập theo mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức rèn luyện kỹ năng giải quyết đề thi tốt nghiệp THPT.

Dạy học sinh cách diễn đạt, kỹ năng trình bày bài thi (đối với môn Ngữ Văn thi theo hình thức tự luận); Cần quan tâm học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức rèn luyện kỹ năng giải quyết đề thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm ở các môn Toán, Vật Lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, GDCD (có nội dung, tài liệu, chuyên đề riêng cho đối tượng học sinh yếu kém để không có học sinh bị điểm liệt và nâng cao điểm trung bình chung của nhà trường, và chương trình nâng cao cho học sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển ĐH-CĐ).

Yêu cầu đặt ra với giáo viên dạy các lớp ôn tập đặt ra rất rõ là: Quan tâm giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi tham khảo của Bộ GDĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên phân tích cấu trúc đề tham khảo để phân chia nội dung, kỹ năng cần ôn tập cho học sinh. Giáo viên ôn thi có trách nhiệm xây dựng ngân hàng câu hỏi theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để phục vụ việc ôn tập, dạy thêm.

Thầy giáo Nguyễn Ánh Dương, chịu trách nhiệm nội dung, chương trình dạy của môn Vật lí, chia sẻ thêm: Căn cứ vào kế hoạch của nhà trường, đối tượng học sinh, tổ/nhóm bộ môn và giáo viên phải xây dựng kế hoạch ôn luyện của tổ/nhóm và từng cá nhân. Kế hoạch cần xác định rõ đối tượng, thời gian ôn tập, mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt, chương trình, nội dung chi tiết. Tổ chuyên môn dự kiến giáo viên dạy ở các lớp căn cứ theo sự phân loại học sinh ở từng lớp, chịu trách nhiệm về kết quả chung của bộ môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giáo viên cần sử dụng phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, linh hoạt các kỹ thuật dạy học; chú ý rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh; có các biện pháp động viên, khích lệ sự cố gắng và tiến bộ của học sinh. Ngoài các hình thức giảng dạy trên lớp, cần quan tâm đến việc hướng dẫn học sinh tự học ở nhà . Đặc biệt, cần phân loại học sinh theo đúng đối tượng trong lớp ôn tập để xây dựng kế hoạch bài ôn tập một cách phù hợp, giúp học sinh nắm được nội dung ôn tập theo khả năng của từng đối tượng học sinh. - Thầy hiệu trưởng Lưu Hải Tiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.