Nhóm bài tập nhận biết lịch sử
Đây là nhóm bài tập chủ yếu tái tạo lại hình ảnh quá khứ, qua đó rèn luyện cho học sinh kĩ năng ghi nhớ, tái hiện lại sự kiện, hiện tượng, niên đại, nhân vật, địa danh lịch sử…. trong chương trình, sách giáo khoa, bài giảng mà học sinh đã học. Nhóm bài tập này chủ yếu xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm khách quan hoặc câu hỏi tự luận ở dạng trình bày
Ví dụ: Bài tập lựa chọn đúng sai, đây có thể là một câu hỏi trần thuật, một nhận định hay một một câu hỏi trực tiếp được trả lời “đúng” hay “sai”. Đây là loại trắc nghiệm đơn giản, dễ sử dụng. Tuy nhiên kết quả bị ảnh hưởng nhiều của yếu tố ngẫu nhiên
Bài tập lựa chọn câu trả lời đúng nhất; bài tập yêu cầu học sinh xác lập mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử và địa danh; bài tập yêu cầu xác lập mối quan hệ giữa sự kiện lịch sử và niên đại lịch sử... Để tăng thêm độ khó của bài tập thuộc dạng này, chúng ta có thể đưa thêm dữ liệu vào bài tập.
Loại bài tập lựa chọn kết hợp với việc giải thích ngắn gọn mối quan hệ giữa các nội dung kiến thức được lực chọn: Đây là dạng bài tập tương đối phức tạp, vì nó vừa có sự kết hợp giữa loại bài tập lựa chọn và bài tập xác định mối quan hệ, vừa yêu cầu học sinh phải trình bày, lý giải vấn đề được đặt ra. Nó đòi hỏi học sinh phải nhớ chính xác sự kiện. địa danh, nhân vật… rồi từ đó rút ra kết luận về mối quan hệ giữa các kiến thức nêu trên. Đây là dạng bài tập vừa mang nội dung nhận biết, vừa mang nội dung nhận thức.
Bài tập điền thế: Là các câu dẫn (diễn đạt một sự kiện, hiện tượng lịch sử, các kết luận về chúng…) nhưng còn để các chô trống. Học sinh phải điền từ, cụm từ, số liệu hay kí hiệu để hoàn chính nội dung thông tin.
Nhóm bài tập nhận thức lịch sử
Việc phân chia hai loại bài tập: nhận biết lịch sử và nhận thức lịch sử chỉ là tương đối, bởi vì trong hai loại bài tập nhận biết lịch sử học sinh đã thể hiện việc hiểu rõ khá sâu sắc sự kiện, dồng thời khi làm bài nhận thức lịch sử học sinh cũng phải dựa trên cơ sở biết chính xác một số sự kiện cơ bản.
Đây là nhom bài tập đòi hỏi học sinh phải có năng lực độc lập suy nghĩ để giải quyết vấn đề nêu ra, trình độ tư duy cao, lí giải vấn đề và tìm tòi, sáng tạo trong nhận thức lịch sử.
So với nhóm bài tập nhận biết, thì nhóm bài tập nhận thức lịch sử khó và phức tạp hơn nhiều, giáo viên có thể xây dựng dưới dạng câu hỏi tổng hợp. Qua thực nghiệm sư phạm chúng tôi nhận thấy nhóm này rất phù hợp với đối tượng học sinh giỏi. và nó bao gồm hệ thống các dạng bài tập như sau:
Bài tập xác định đặc trưng bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử (tiến bộ, phản động, bản chất giai cấp) giúp học sinh hiểu sâu sự kiện đang học.
Ví dụ: Hãy lí giải cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là cuộc cách mạng tư sản (căn cứ vào mục tiêu, lực lượng lãnh đạo, lực lượng tham gia, kết quả).
Bài tập xác lập mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện lịch sử nhằm góp phần phát triển ở học sinh khả năng phân tích, tổng hợp để tìm ra nguyên nhân, ý nghĩa của sự kiện, hiện tượng lịch sử, phát hiện ra mối quan hệ , sự tương tác lịch sử để hiểu rõ bản chất của chúng
Ví dụ: tại sao đến đầu năm 1930 yêu cầu thành lập một chính đảng vô sản thống nhất ở Việt Nam đặt ra cấp thiết?
Bài tập xác định bản chất của sự kiện và hiện tượng mới trên cơ sở sự kiện, hiện tượng khác nhằm gây cho học sinh hứng thú tìm kiếm kiến thức mới trên cơ sở kiến thức đã học.
Ví dụ: Căn cứ vào cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930) em hãy phân tích tính chất của cuộc cách mạng tháng 8- 1945.
Bài tập xác định tính kế thừa giữa các sự kiện, giai đoạn, thời kì lịch sử giúp học sinh hiểu rõ quá trình phát triển liên tục, thống nhất, tính chất tiến bộ của lịch sử và tính phong phú da dạng, cụ thể của các sự kiện, giai đoạn thời kí lịch sử.
Ví dụ: Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đươc nêu trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là Độc lập dân tộc, người cày có ruộng (dân tộc, dân chủ) Đảng ta đã giải quyết các nhiệm vụ này như thế nào trong thời kì 1936- 1939? Có nét gì khác so với thời kì 1930-1931?
Bài tập tìm hiểu khuynh hướng phát triển của một sự kiện, một thời đại hay một xã hội nói chung giúp học sinh nắm bắt được phương pháp tư duy biện chứng để đoán định sự phát triển tương lai trên cơ sở hiểu rõ quá khứ và hiện tại.
Ví dụ: Sau khi từ Thụy Sỹ về Pê tơ rô grat, Lê nin vạch rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Nga lúc này là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN bằng phương pháp hòa bình. Căn cứ vào đâu Lê nin đề ra chủ trương và phương pháp như vậy và có thể thực hiện được không?
Bài tập xác định mức độ tiến bộ của sự kiện lịch sử nhằm hình thành ở học sinh kĩ năng phân tích, lí giải, đánh giá, nhận xét các sự kiện lịch sử.
Bài tập so sánh để rút ra cái chung, cái riêng, giống và khác nhau tiêu biểu và đặc thù của các sự kiện, thời kì.
Ví dụ: So sánh Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và Luận cương thánh 10 -1930 của Trần Phú để thấy sự đúng đắn, sáng tạo của văn kiện trước và hạn chế của văn kiện sau
Bài tập tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện, rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử đối với ngày nay, có tác dụng gợi cho học sinh về sự cần thiết phải tìm hiểu quá khứ để giải thích các sự kiện, hiện tượng đang diễn ra trong hiện tại, làm cho các em có thức được tầm quan trọng của việc học tập lịch sử.
Ví dụ: tại sao nói phong trào cách mạng 1936-1939 là cuộc diễn tập lần thứ hai chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 năm 1945?
Bài tập xác định mục đích của một sự kiện ở một giai đoạn, thời kì nhất định.
Ví dụ: Tại sao hội nghị trung ương 8 lại quyết định thành lập mặt trận Việt Minh?. Vai trò của mặt trận đối với thắng lợi của cách mạng tháng 8 – 1945?
Bài tập bồi dưỡng tư tưởng tình cảm học sinh qua việc nhận định, đánh giá một nhân vật lịch sử về hành vi và hoạt động của con người, vai trò của cá nhân, quần chúng nhân dân trong lịch sử
Ví dụ: Dựa vào công lao của C.Mác em hãy giải thích câu nói của Lê nin: “Mác là linh hồn của Quốc tế I”?
Bài tập bồi dưỡng tư tưởng tình cảm học sinh qua việc nhận định, đánh giá một sự kiện lịch sử gồm việc phân tích, nhận xét nội dung, nêu ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của sự kiện…
Bài tập đánh giá về các hoạt động sản xuất, vận dụng khoa học kĩ thuật... Ví dụ: Em hãy đánh giá những tác động của cuộc CM KH – CN đối với xã hội loài người
Bài tập nhằm phát triển các năng lực nhận thức lịch sử của học sinh: Tri giác, nhớ, hình dung, tưởng tượng, tư duy…
Ví dụ: Tại sao ta quyết định mở cuộc tiến công Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ? Nêu diễn biến chính. Tác dụng của nó đối với cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược
Bài tập nhằm rèn luyện khả năng vận dụng những kiến thức đã học để hiểu kiến thức mới, trên cơ sở so sánh đối chiếu với các kiến thức đã học
Ví dụ: Thông qua chiến thắng Việt Bắc thu- đông 1947, chiến thắng Biên giới 1950, chiến thắng Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Em hãy làm rõ bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp xâm lược
Nhóm bài tập thực hành lịch sử
Nhằm làm cho học sinh có biểu tượng chính xác, giàu hình ảnh, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, lao động và công tác. Vì vậy, nội dung bài tập thực hành giúp học sinh rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo thực hành bộ môn; đồng thời làm cho học sinh biết phân tích, giải thích, trình bày, nhận xét của mình về kết quả thực hành đó, qua đó bồi dưỡng cho các em những phẩm chất tốt đẹp, những hành động đúng. Nhóm bài tập này gồm các dạng bài sau:
Bài tập thực hành về xây dựng và sử dụng đồ dùng trực quan như vẽ bản đồ, lược đồ. Bao gồm vẽ, trình bày, giải thích, nhận xét, xác định địa danh, ghi kí hiệu.
Bài tập vẽ sơ đồ: Tương tự như vẽ bản đồ nhằm cụ thể hóa nội dung cơ bản của một sự kiện lịch sử cụ thể bằng những mô hình học đơn giản, diễn tả một cơ cấu tỏ chức xã hội, một chế độ chính trị, mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử
Ví dụ: Vẽ sơ đồ tiến trình cách mạng tư sản Anh và cách mạng tư sản Pháp. Từ đó em hãy rút ra nhận xét về hai cuộc cách mạng này.
Bài tập vẽ đường trục thời gian: Nhằm bồi dưỡng cho học sinh ý niệm vè thời gian (thời điểm, khoảng cách thời gian) xảy ra sự kiện
Ví dụ: Vẽ trục thời gian thể hiện bước phát triển đi lên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954).
Bài tập vẽ biểu đồ: Nhằm cụ thể hóa nội dung lịch sử, so sánh sự phát triển của một sự kiện lịch sử. Có thể từ những số liệu trong sách giáo khoa hay từ những tài liệu tham khảo đáng tin cậy do giáo viên cung cấp, giáo viên yêu cầu học sinh vẽ hình tròn hoặc hình trụ
Bài tập vẽ đồ thị: để diễn tả sự phát triển một sự kiện hay so sánh sự phát triển của các sự kiện khác nhau
Ví dụ: sau khi học sinh học xong bài “Việt Nam trên đường đi lên xây dựng CNXH (1975 – 1991), yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ biểu thị về tình hình kinh tế nước ta trong giai đoạn này.
Bài tập lập niên biểu: Nhằm kiểm tra sự hiểu biết của học sinh về trình độ cao hơn của nhận thức lịch sử.
Ví dụ: lập niên biểu về các sự kiện quan trọng trong thời kì cách mạng 1930 – 1945.
Bài tập thực hành về sưu tầm hiện vật, tranh ảnh, tài liệu… nhất là tài liệu lịch sử địa phương.
Bài tập yêu cầu học sinh làm việc với tài liệu học tập như: sách giáo khoa, các đoạn trích từ các văn kiện Đảng, tìa liệu lịch sử khac hoặc có thể yêu cầu học sinh tự tìm hiểu rút ra kết luận trên cơ sở quan sát đồ dùng trực quan
Nhóm bài tập tổng hợp lịch sử
Bài tập dưới dạng tổng hợp là loại bài tập nhận biết lịch sử và bài tập nhận thức lịch sử. Nó không chỉ đòi hỏi học sinh phải nhận biết chính xác sự kiện, nhận thức đúng bản chất lịch sử mà còn đòi hỏi học sinh thể hiện trình độ lập luận, trình bày diễn đạt, nhằm giúp học sinh củng cố chắc kiến thức đã học và nâng cao trình độ hiểu biết của học sinh lên một mức độ mới.
Nội dung bài tập không phải là lặp lại những việc đã làm trên lớp mà phải phát hiện thêm những khía cạnh mới của vấn đề hoặc mở rộng, bổ xung kiến thức đã biết sâu sắc hơn. Loại bài tập này thường yêu cầu học sinh phải nghiên cứu từ 2 đến 3 bài học, một chương hay một phần lịch sử mới trả lời được và nó thường có dạng cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Câu hỏi thông thường có thể trả lời tự do. Ví dụ: từ 1940 đến tháng 3-1945, Nhật và Pháp đã thi hành những thủ đoạn chính trị gì để lừa bịp nhân dân ta?. Có gì giống nhau trong mục đích của chúng?
Thứ hai: Bài tập đặt ra để lý giải một vấn đề đã được xác định hoặc bình luận, chứng minh câu nói nổi tiếng của nhân vật lịch sử bằng những quan điểm, bằng các sự kiện.
Ví dụ: Dựa vào câu nói của Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa Mác-Lê nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng cộng sản Đông Dương vào đầu 1930” để trình bày về việc kết hợp của ba yếu tố trên trong quá trình thành lập Đảng.
Thứ ba, bài tập yêu cầu trình bày, so sánh các sự kiện lịch sử cùng loại, xảy ra ở các thời đại khác nhau để rút ra kết luận…