Phận lênh đênh trên dòng Tam Bạc

GD&TĐ - Hơn 40 năm qua, người dân xóm chài thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) đã lấy sông Tam Bạc làm đất, lấy thuyền đánh cá làm nhà, cả một đời lênh đênh nương nhờ sông nước.

Gia đình chị Nguyễn Thị Yến (5 người) đã sinh sống gần 20 năm trên chiếc thuyền rộng vài mét
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến (5 người) đã sinh sống gần 20 năm trên chiếc thuyền rộng vài mét

Cảnh đời tại xóm chài nghèo

Nép mình cạnh dòng sông Tam Bạc, cách bến xe Lạc Long (TP Hải Phòng) chừng vài chục mét, xóm chài là nơi neo đậu của hai chục chiếc thuyền lụp sụp, cũ nát. “Cả xóm có hơn 100 nhân khẩu, là dân tứ xứ, không nhà cửa, không mảnh đất sinh nhai. Họ phiêu bạt về đây làm ăn, tích cóp mua được chiếc thuyền làm chỗ che mưa nắng. Suốt ngày lênh đênh sông nước kiếm sống qua ngày, lấy sông làm đất, lấy thuyền làm nhà, cả một đời nương nhờ sông Tam Bạc”, ông Nguyễn Văn Giang, một chủ thuyền tại xóm chài cho biết.

“Đa số người dưới thuyền không biết chữ, làm công việc tự do. Người lớn chủ yếu sống dựa vào việc đi sông, đi biển. Một số người còn trẻ khỏe làm nghề lặn, tìm kiếm sắt dưới đáy sông để bán. Có người đi mò ngọc thuê, người chuyên vớt xác ở các ngã ba sông”, ông Giang nói về công việc của những người dân trong xóm.

Đã mấy chục năm sinh sống tại xóm chài, ông Lê Văn Sinh (84 tuổi), ngậm ngùi: “Gia đình tôi cũng mua chiếc thuyền rồi về sửa sang lại, đến nay ở cũng được vài chục năm. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, nấu nướng đến ngủ, nghỉ đều diễn ra trên thuyền. Trước đây, chúng tôi dùng nước sông để ăn uống, tắm giặt, nhưng giờ sông dần ô nhiễm nên phải mua nước trên bờ. Tuy vậy, nước máy cũng chỉ để ăn, vẫn dùng nước sông để giặt giũ và tắm rửa”.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ về cuộc sống gia đình, chị Nguyễn Thị Yến, vì là người ngụ cư, nên không có bảo hiểm y tế, mỗi lần trong gia đình có người ốm, họ rất lo lắng. “Trẻ con ở thuyền hay ốm vặt, lúc thì sốt do muỗi đốt, lúc thì tiêu chảy. Đứa nhỏ nhà tôi mỗi lần đi viện cũng hết vài trăm nghìn, có lần đến cả tiền triệu. Thương con, nhưng hai vợ chồng chỉ có chiếc thuyền này làm chỗ chui ra chui vào, giờ lên bờ cũng khó tìm việc làm”, chị Yến nói.

Những đứa trẻ tại xóm chài này, tuổi thơ là những ngày quanh quẩn trên thuyền, lúc rảnh rỗi thì trông em, hoặc đi nhặt đồng nát cùng bố mẹ. Đa số các em chỉ học đến lớp 5, nhà nào có điều kiện mới cho con học tiếp lên cấp 2.

“Mùa mưa bão là thời gian khó khăn nhất đối với người dân xóm chài. Khi có mưa bão, đàn ông sẽ ở lại giữ thuyền, đàn bà, trẻ nhỏ sơ tán lên Trường THPT Lương Thế Vinh gần đó để tránh trú. Nhiều nhà, giông bão làm mất hết đồ đạc”, ông Giang kể lại về những lần xóm chài tránh bão.

Những đứa trẻ ước mơ được đi học, được đến trường như các bạn trên bờ
  • Những đứa trẻ ước mơ được đi học, được đến trường như các bạn trên bờ

Canh cánh nỗi lo tương lai

Năm 2017, TP Hải Phòng triển khai dự án xây cầu Hoàng Văn Thụ và Tam Bạc, hứa hẹn tạo ra bước phát triển mới về bộ mặt đô thị cho thành phố cảng nói chung và đoạn sông Tam Bạc nói riêng. Theo đó, khu vực bến xe Lạc Long đoạn giáp sông sẽ được cải tạo, hai bên bờ sông cũng được chỉnh trang lại và nâng cấp đường Tam Bạc hiện thời cho rộng hơn, đẹp hơn. Như vậy, xóm chài nghèo ọp ẹp sẽ không thể tồn tại ở khu vực này.

Dù biết, chính quyền địa phương sẽ có phương án cụ thể di dời xóm chài, tuy nhiên, việc phải rời xa một nơi đã gắn bó hàng chục năm đối với người dân là điều không hề dễ dàng. Trước mắt, họ chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Trong thâm tâm, người dân chỉ mong cơ quan chức năng giúp họ có một nơi để “an cư”, dẫu có quen việc lênh đênh, nhưng chuyển cả một cơ ngơi cũng không hề dễ dàng. Vì với họ, sông nước là nguồn sống, thuyền bè là chỗ ở. Có nơi neo đậu ổn định, họ mới yên tâm để kiếm kế sinh nhai.

Mặt trời khuất bóng đã lâu, cả xóm chài chìm vào im lặng. Ánh đèn điện leo lắt ở mỗi khoang thuyền đã xuất hiện khoảng một năm nay, khi điện được kéo từ trên bờ xuống xóm. Không gian tĩnh lặng văng vẳng lời ru con của chị Yến: “Khó đi mẹ dắt con đi, con thi trường học, mẹ thi trường đời”.

“Đêm nay anh nhà đi lặn thuê cho chủ thuyền ngoài biển, chị ở nhà chăm con mà khắc khoải. Ở đây ai cũng thế, ngày đêm lênh đênh trên sông nước, chỉ mong lo đủ bữa rau bữa cháo” – chị Yến buồn bã nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ