Phần Lan: Giải bài toán hòa nhập cho di dân

GD&TĐ - Có quá nhiều điều cần trang bị cho người di cư tại một vùng đất mới, với một xã hội hoàn toàn mới. Đó là bài toán khó đối với cả người di cư lẫn quốc gia tiếp nhận, đặc biệt là những vấn đề lên quan đến khác biệt văn hóa. 

Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu có dòng người di cư tìm đến đông nhất hiện nay
Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu có dòng người di cư tìm đến đông nhất hiện nay

Là một trong những quốc gia phương Tây tiếp nhận nhiều di dân nhất thời gian qua, dường như Phần Lan đã có lời giải cho bài toán khó này, dù rằng chưa hẳn nó đã được tiếp nhập với tất cả di dân.

Gỡ rào cản văn hóa

Trang bị kỹ năng bình đẳng giới và tránh bạo lực tình dục, đó là cách thức tiếp cận mà Phần Lan lựa chọn để giúp người di cư hòa nhập, với những lớp học được tổ chức quy mô. Các học viên tham gia lớp học đều là những người di cư mới tới trại tị nạn nằm sâu trong khu rừng của Phần Lan. Một số nam thanh niên Iraq thông thạo tiếng Anh và biết chút tiếng Phần Lan gật đầu tán thành. Những người khác, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi, trừng mắt nhìn nhau khi lời giảng của cô giáo bản địa được dịch sang tiếng Ả rập.

Một người đàn ông mặc áo trượt tuyết màu đen ngồi lom khom có vẻ như đang ghi chép lại các lời giảng. Người phụ nữ trẻ đội khăn duy nhất trong lớp thì nở nụ cười e thẹn. Do lo ngại về việc gia tăng các vụ xâm phạm tình dục, nên chính phủ Phần Lan vừa mở các lớp dạy về giá trị của người Phần Lan và cách ứng xử với phụ nữ cho những người di cư. Theo BBC, Johanna là một trong những cô giáo hoạt bát và năng động ở lớp học cho người di cư tại Helsinki, thủ đô của Phần Lan. Phong thái giảng dạy cuốn hút và nhiệt huyết của cô khiến những học sinh từ miễn cưỡng thành say mê học tập. Cô có cách truyền đạt đi vào lòng người và luôn nở nụ cười mỗi khi học sinh có vướng mắc.

“Như các bạn thấy đấy, ở Phần Lan không có chuyện mua vợ” - cô giải thích nhẹ nhàng - “Người phụ nữ chỉ bằng lòng làm vợ bạn nếu cô ấy thực sự muốn, vì ở đây nam nữ bình đẳng”.

“Bạn hoàn toàn có thể nhảy disco với phụ nữ ở đây” - Johanna nói, giọng đầy phấn khích - “Nhưng hãy nhớ rằng, dù cô ấy có nhảy gần bạn và mặc váy ngắn đi nữa cũng không đồng nghĩa với việc muốn quan hệ với bạn”.

Một thanh niên Somalia kéo mũ qua tai và ôm đầu như thể không dung nạp được thông tin mới mẻ này. “Đây là một đất nước theo chủ nghĩa tự do” - anh thốt lên - “Chúng tôi phải học rất nhiều điều. Ở quê tôi, nếu bạn tiếp cận với phụ nữ một cách tùy tiện thì sẽ bị xử tử!”. Nói rồi anh quay sang người Mali ngồi kế bên để xem phản ứng của anh này ra sao. “Thật kỳ diệu”, anh chàng Mali gật đầu tán thưởng, “Ở nước tôi, phụ nữ không được phép ra ngoài mà không có chồng hoặc anh em trai”.

Hiểu biết để hòa nhập

Khi Johanna chuyển sang chủ đề đồng giới thì những người đàn ông Iraq ở hàng ghế phía sau bắt đầu cười khúc khích. “Dù trông có vẻ khôi hài, nhưng các trại tị nạn ở Phần Lan rất xem trọng những lớp dạy cách hành xử và văn hóa này. Nếu đàn ông từ các nền văn hóa bảo thủ khác nhau không ý thức ngay rằng Phần Lan có những quy định, tập tục riêng phải tuân theo, thì sẽ chẳng bao giờ hòa nhập được” - cô nói.

Những người đàn ông đến từ Trung Đông tỏ vẻ ngán ngẩm khi Johanna cho biết người đàn ông Phần Lan nào cũng biết chia sẻ việc nhà. Kể từ mùa thu 2015, khi Johanna bắt đầu dạy những lớp này thì những phụ nữ tị nạn liên tục cầu cứu cô về việc chồng không cư xử theo văn hóa Phần Lan. Đàn ông ở đây đều hiểu luật hình sự của Phần Lan nên biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu có hành vi không đúng mực với phụ nữ. Và đó là lý do vì sao những lớp học này được Bộ Nội vụ và cảnh sát ủng hộ.

Mùa thu năm ngoái, ba người tị nạn bị kết tội xâm phạm tình dục ở Phần Lan. Trước đó nữa, vào đầu năm 2016, đã có một loạt vụ hãm hiếp, cưỡng đoạt tương tự như các vụ ở Cologne (Đức) và Stockholm (Thụy Điển). Các nạn nhân tố cáo thủ phạm là người Trung Đông, một chi tiết mà Phó Cảnh sát trưởng Ilkka Koskimaki quyết định công khai.

“Đây là vấn đề nhạy cảm” - ông thừa nhận khi lái xe đi tuần quanh các đường phố đóng băng ở ngoại ô Helsinki - “Nhưng chúng tôi phải nói sự thật. Thường thì chúng tôi không tiết lộ danh tính nghi phạm. Tuy nhiên những vụ việc các nhóm thanh niên ngoại quốc bao vây rồi xâm phạm phụ nữ ở nơi công cộng đã trở thành hiện tượng nhức nhối ở Phần Lan”.

Bài giảng ở trại tị nạn Raasepoori đang dần đến hồi kết và những người tị nạn được giao thêm bài tập tùy chọn về luật bình đẳng giới Phần Lan. Khi đoàn phóng viên BBC rời khỏi lớp, một người đàn ông Iraq mặc áo khoác sặc sỡ ra bắt tay và nói: “Ở Phần Lan thật tuyệt vời. Nhưng tôi sẽ kết hôn với người vợ đảm đang nấu những món tôi thích và chắc hẳn cô ấy cũng không đi nhảy disco đâu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.