Một thỏa thuận nhọc nhằn
Có vẻ như, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của EU tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đã tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ít nhiều làm thỏa mãn tất cả những thành viên tham dự.
Hội nghị thượng đỉnh được đánh dấu bằng cuộc đối đầu giữa Ý và các nhà lãnh đạo Hungary, Cộng hòa Séc, những người từ chối hạn ngạch tự động đối với người tị nạn. Thỏa thuận nêu rõ, những người di cư được giải cứu sẽ được gửi đến “trung tâm kiểm soát" ở EU để "xử lý nhanh chóng và an toàn” - Tờ Financial Times đưa tin. Người di cư sẽ được chia thành nhóm bất hợp pháp, có thể trả lại, và những người cần sự bảo vệ quốc tế.
Các nhà lãnh đạo đã phê duyệt kế hoạch để tạo ra các trung tâm cứu hộ người di cư ngoài EU, có thể ở Bắc Phi. Ý tưởng này đã được hỗ trợ rộng rãi, trái ngược với chính sách phân chia cung cấp tị nạn nội bộ.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hoan nghênh thỏa thuận này như một dấu hiệu của tình đoàn kết châu Âu. “Sau hội nghị thượng đỉnh EU này, Ý không còn đơn độc nữa” - Ông Conte nói.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng: "Nó (thỏa thuận - ND) không phải là tốt nhất trong các thỏa thuận, nhưng nó là một thỏa thuận quan trọng, làm thay đổi đường lối. Điều đó có nghĩa rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động trong khuôn khổ của cách tiếp cận châu Âu khi phải đối mặt với những thách thức của châu Âu".
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đó là tín hiệu tốt, rằng các nước EU đã nhất trí về một tuyên bố chung.
"Chúng tôi rất hài lòng vì nó bây giờ được so sánh với những gì trước đó, sẽ không có ép buộc... Rất nhiều những điều bây giờ đều dựa trên cơ sở tự nguyện" – Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaitė khẳng định. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi trừng phạt tài chính cho các nước từ chối chấp nhận người tị nạn trên cơ sở hạn ngạch định sẵn như: Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ba Lan.
Nhưng cuối cùng mọi người đều hài lòng với thỏa hiệp đạt được. Ông Macron là một trong những người đầu tiên bày tỏ niềm vui của mình. Theo ông, thỏa thuận đã chứng minh rằng hợp tác châu Âu chiếm ưu thế hơn lợi ích quốc gia.
Vẫn còn nhiều khác biệt
Vào đêm trước của hội nghị, Ý đã từ chối ký vào thông cáo về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh, khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte không hài lòng với sự không chắc chắn về vấn đề người tị nạn. Cuộc thảo luận tiếp tục sau cánh cửa đóng kín cho đến chạng vạng sáng. Theo đó, ông Conte đề xuất thảo luận về chủ đề này theo kế hoạch 10 điểm của Ý.
Tờ Zeit của Đức cho biết, điểm chính trong kế hoạch này là một thay đổi căn bản trong các quy định hiện hành của EU. Đó là việc thay đổi các quy tắc, theo đó, đất nước đầu tiên mà người tị nạn tìm đến không chịu trách nhiệm đối với họ. Không chờ đợi quyết định của Hội nghị thượng đỉnh, Ý đơn phương đưa ra các quy tắc riêng của mình cho việc tiếp nhận người tị nạn.
Khởi đầu, người Ý từ chối tất cả các tòa án của cái gọi là các tổ chức tình nguyện đã tham gia cứu người tị nạn ở Địa Trung Hải. Điều này góp phần ngăn chặn nhiều nhóm tội phạm, chủ yếu từ Libya, hiện đang tham gia vào việc chuyển giao người tị nạn đến châu Âu. Họ dùng thuyền buồm vận chuyển người tị nạn khi đã nhận trước một khoản tiền cọc đáng kể của người nhập cư.
Điều không thể phủ nhận rằng các tổ chức tình nguyện đó phần lớn nằm trong tay các băng đảng mafia. Trong bối cảnh ấy, ông Conte khẳng định rằng Italia sẽ không chấp nhận các tàu như vậy cho đến khi các nước châu Âu khác có những động thái tích cực.
Nhiều câu hỏi được đặt ra với các “trại đặc biệt” do EU tạo ra. Trước hết, việc tạo ra các trại đặc biệt sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, ít nhất khoảng 20 triệu euro mà Brussels sẽ phải phân bổ. Hơn nữa, cho đến nay không có quốc gia nào ngoài EU nhất trí thành lập các trại đặc biệt cho việc xác minh ban đầu đối với người tị nạn.
Theo các nhà phân tích, rất có thể ý tưởng tạo ra các trung tâm tiếp nhận người di cư bất hợp pháp bên ngoài EU, trên lãnh thổ của các nước châu Phi và Trung Đông sẽ không thành hiện thực. Bằng chứng là các nước chưa thể hiện sự nhiệt tình về điều này. "Morocco bác bỏ và luôn từ chối các phương pháp quản lý dòng di cư như vậy” - Ngoại trưởng Morocco Nasser Burita tuyên bố trong một cuộc họp với người đồng nhiệm Tây Ban Nha ở Rabat.
Khó khăn hơn cả là việc phân phối người tị nạn trong EU. Khi hạn ngạch được bãi bỏ thì không ai có thể buộc các nước trong khối EU chấp nhận người di cư. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở các hiệp định song phương. Giải quyết tất cả những vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào sự thành công của những nỗ lực của các nước EU trên con đường tiếp tục hội nhập.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurtz thừa nhận rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. "Tôi vui vì ý kiến của nhiều quốc gia đã thay đổi và có thể đồng ý về những điều mà chúng tôi đã bị chỉ trích trong hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có nhiều điều để thảo luận ở EU, bởi vì có những quốc gia theo đuổi các mục tiêu khác"- Sebastian Kurtz nhấn mạnh trước thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và sự bất đồng nghiêm trọng giữa các nước thành viên EU.
Các nước EU vẫn chưa quyết định ai trong số họ sẵn sàng tự nguyện đặt các trung tâm trên lãnh thổ của mình, nơi những người di cư bất hợp pháp chờ đợi việc xin tị nạn hoặc từ chối của họ.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Moravetsky đã nói rõ rằng đất nước của ông không ủng hộ sáng kiến này. "Chúng tôi chống lại việc tạo ra các trung tâm như vậy trong Liên minh châu Âu, bởi chúng tôi tin rằng, điều này có thể trở thành một lời mời đến Liên minh châu Âu cho hàng chục triệu người di cư. Đồng thời, nếu Ý, Hy Lạp hay bất kỳ quốc gia nào khác đã có một trung tâm như vậy, chúng ta không thể phản đối quyết định có chủ quyền của họ "- Mateusz Moravetsky nói.
Nói như Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng thỏa thuận đã đạt được nhưng "chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để vượt qua những khác biệt trong quan điểm".