Hơn nữa, việc sinh viên chấp nhận theo học sẽ rất có thể dẫn đến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu, nhà tuyển dụng lao động không chấp nhận.
Khó chấp nhận tổ hợp lạ
Thầy giáo Vũ Văn Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, Hạ Long, cho biết: “Học sinh của chúng tôi đón nhận thông tin về những trường đại học xét tuyển bằng tổ hợp môn thi THPT quốc gia không theo thông lệ truyền thống hết sức lạ lẫm. Nhiều em cho biết là không quan tâm nhiều vì thứ nhất các trường đại học này không hấp dẫn các em, thứ hai là các em cũng hiểu được sự bất hợp lý của các môn xét tuyển tréo ngoe đó.
Quả thật tôi cũng chưa hình dung hết các trường tính toán ra sao khi những ngành kiến trúc, mỹ thuật, hội họa... yêu cầu về năng khiếu nhưng lại tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa và Toán - Văn – Anh; hay xét tuyển đào tạo các ngành kế toán, Tài chính ngân hàng lại bằng tổ hợp Văn, Sử, Địa”.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, Cao Xuân Hùng, phân tích thêm: Cho dù lý giải thế nào thì việc xét tuyển các tổ hợp môn thi mới bên cạnh tổ hợp truyền thống với những bất hợp lý về đánh giá và phát huy năng lực người học là điều không nên. Việc các trường làm vậy khiến dư luận xã hội và chính người học đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo có được đảm bảo hay không.
Đành rằng với những ngành như Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế cũng ít nhiều liên quan đến các môn xã hội thì việc xét tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa, cũng có liên quan đôi chút. Tuy nhiên, với những ngành học kinh tế, khả năng tính toán là yếu tố hết sức quan trọng cần phải có.
Gây khó cho người học
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Từ thực tế đào tạo của một trường thiên về kỹ thuật cho thấy, với những ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật ô tô thường đòi hỏi sinh viên phải có năng lực về Toán là rất cao.
Lý giải như ở Trường Đại học Bách khoa, việc tuyển sinh chúng tôi luôn ưu tiên tuyển môn Toán. Ngay như việc xét tuyển hàng năm chúng tôi cũng sàng lọc thí sinh từ kết quả học phổ thông. Những sinh viên có khả năng học tốt các môn tự nhiên khi vào trường theo học nếu không có thái độ học tập tốt thì cũng sẽ rất vất vả để qua các môn. Những thí sinh có thiên hướng các môn xã hội mà lại vào học các ngành tự nhiên, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể nói là không thể theo học được”.
Đồng quan điểm trên, GS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, cũng cho rằng việc tuyển những thí sinh học các ngành khoa học xã hội vào học các ngành khoa học tự nhiên là làm khó cho thí sinh. GS Hóa phân tích: Vào học, không có được cái gốc cơ bản của các môn tự nhiên, như môn Toán.
Hoặc với các ngành như Kiến trúc, Thiết kế nội thất thì không có năng khiếu về hội họa. Việc không yêu cầu các môn đặc thù trong tổ hợp xét tuyển vào những ngành học này là điều không ổn. Nếu sinh viên đăng ký theo học đầu tiên là sẽ rất vất vả vì khả năng tư duy liên quan hạn chế, rồi khi vào học không đáp ứng được yêu cầu của ngành đã lựa chọn chất lượng sẽ không đảm bảo.
Khó có thể phủ nhận nguồn cơn của việc những trường đại học thông báo xét tuyển đầu vào bằng những tổ hợp “lạ” là sự dễ dãi trong xét tuyển sinh. Các chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh cần hết sức lưu ý vì khi vào học, kiến thức lệch, không phù hợp với năng lực của mình thì việc học sẽ hết sức khó khăn.
Điều này rất có thể dẫn đến việc sinh viên không theo kịp chương trình, bị đình chỉ học tập (nếu trường đó làm nghiêm). Còn không, có qua được và tốt nghiệp thì chắc chắn chất lượng đào tạo khó có thể nói đảm bảo để làm tốt công việc sau này. Đây là điều cần tuyệt đối tránh vì doanh nghiệp sẽ không chấp nhận tuyển dụng lao động có chuyên môn kém.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội: Việc tuyển sinh từ những tổ hợp lạ là các trường không chỉ gây khó cho người học mà còn gây khó cho chính mình. Xét tuyển sinh từ tổ hợp xét tuyển với những môn học lệch yêu cầu đặc thù của chương trình đào tạo. Đầu tiên, người học khó tiếp thu kiến thức liên quan vì năng lực tư duy không thuận với ngành nghề đào tạo; tiếp đó là việc giảng dạy với giảng viên cũng sẽ khó khăn nhiều, vì người học không cùng khối kiến thức cơ bản liên quan đến chuyên ngành đào tạo, dẫn đến khả năng tiếp thu kém, trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận kiến thức từ giảng viên.