Điều này khiến người học và xã hội không khỏi đặt câu hỏi, với các tổ hợp môn xét tuyển như vậy, mục đích để đào tạo có hay không hay chỉ là lôi kéo người học...
Những tổ hợp chưa từng có
Theo thông báo trên các website của những trường đại học xét tuyển bằng tổ hợp môn thi THPT quốc gia năm nay có thể thấy một điều chưa từng có trước nay là các ngành học kỹ thuật như chế tạo máy, công nghệ thông tin, xây dựng… hoàn toàn mang yêu tố tự nhiên nhưng lại xét tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân, đều ngược với trước đây.
Hay như ngành kiến trúc, thiết kế nội thất đều là những ngành học có tính chuyên biệt cao nhưng lại tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa và Toán - Văn - Anh; đáng ra những khối ngành liên quan đến mỹ thuật này luôn đòi hỏi xét tuyển sinh từ năng khiếu về hội họa. Rồi lại có trường xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa cho ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng.
Tất nhiên, các trường đều có những lý giải riêng là xét tuyển các tổ hợp môn thi mới bên cạnh tổ hợp truyền thống.
Nhưng vấn đề dư luận xã hội và chính người học đặt câu hỏi là nếu không xét tuyển từ những môn thi liên quan đến đặc thù đào tạo sau này thì liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo hay không khi mà đáng ra sinh viên học công nghệ thông tin, chế tạo máy phải giỏi các môn tự nhiên thì nay lại là Văn - Sử - Địa;
Hay những nhà thiết kế thời trang, kiến trúc đô thị lại… mù mờ không có hiểu biết, cảm nhận cái đẹp từ hội họa. Không thể lý giải tư duy sáng tạo, cộng với tư duy logic ở những lĩnh vực khác nhau lại chi phối cho nhau được.
PGS. TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh với kinh nghiệm nhiều năm - cho rằng: Có những trường xét tuyển thí sinh học các ngành khoa học xã hội vào học các ngành khoa học tự nhiên, hoặc ngược lại là điều khác thường, xưa nay chưa từng thấy.
Việc xét tuyển với những tổ hợp chưa từng có này chỉ khiến người học vất vả hơn, vì các em không có được cái gốc cơ bản của các môn học liên quan. Tôi thật khó hình dung ngành kế toán, kiểm toán tuyển bằng tổ hợp Văn - Sử - Địa, với lý giải rằng để các em viết tốt.
Vậy thì ngành sinh học không xét tuyển môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển thì lấy gì làm kiến thức nền tảng để người học phát triển chuyên môn sâu sau này.
Người học cần cân nhắc kỹ
Việc xét tuyển các tổ hợp môn không phù hợp với đặc thù của từng ngành là điều đúng là xưa nay chưa từng có; thật khó lý giải điều này. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, chỉ có lời giải duy nhất là nhằm đa dạng hóa nguồn tuyển.
Chắc chắn những tổ hợp xét tuyển lạ lẫm trên chỉ xuất hiện ở những trường hợp khó khăn trong nguồn tuyển, năm nay được Bộ GD&ĐT cho phép chủ động xây dựng tổ hợp xét tuyển nên các trường này mới “sáng kiến” đưa ra những tổ hợp lạ đó nhằm có thu hút thêm người học.
Tuy nhiên, đây là tính toán sai lầm vì người học và xã hội sẽ tham khảo bằng nhiều kênh thông tin để chọn lựa những trường, ngành đào tạo uy tín. Với những tổ hợp xét tuyển lạ, chắc chắn khó có thể nói đến chất lượng và điều này thật sai lầm là người học và xã hội sẽ quay lưng với những trường đó.
PGS. TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - cho biết: Các doanh nghiệp ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng lao động với nhà trường luôn đề cao chất lượng đào tạo. Một trong những yếu tố được nhà tuyển dụng đánh giá cao là tính sáng tạo, giá trị nghệ thuật trong sản phẩm được đưa ra thị trường.
Thử hỏi, nếu một chuyên gia thiết kế nội thất lại không có năng khiếu về hội họa, hay tư duy về không gian…. liệu có thể giỏi được không. Chỉ đơn cử như trong chuyên môn riêng mỹ thuật – hội họa của chúng tôi, nếu không yêu cầu có môn Vẽ trong tổ hợp xét tuyển thì chắc chắn khó có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo chất lượng.
Người học cũng sẽ bị cô lập vì tính “nghệ” trong mỗi cá nhân là rất cao đối với các trường đào tạo mỹ thuật, sẽ bất hợp lý vô cùng khi theo học mà không đáp ứng được yêu cầu của ngành đã lựa chọn.
Thí sinh cần sáng suốt lựa chọn, tránh những bẫy đáng tiếc khi đăng ký xét tuyển vào những trường, ngành với những tổ hợp lạ. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, phân tích thêm: “Với những ngành thuần về công nghệ, chế tạo, cơ khí, kỹ thuật… luôn đòi hỏi sinh viên phải có năng lực về Toán - Lý.
Ở Trường Đại học Giao thông Vận tải, chúng tôi luôn xác định môn Toán là cần thiết nhất. Nhiều sinh viên thi trúng tuyển từ khối A truyền thống, khi theo học còn rất vất vả, nợ lên nợ xuống môn học, thử hỏi những thí sinh học xã hội vào các ngành này sẽ học hành thế nào.
Đành rằng thêm các tổ hợp lạ để có thí sinh nhiều hơn, nhưng cũng nên tính đến các môn học trong tổ hợp xét tuyển đó có hỗ trợ với đặc thù đào tạo chuyên ngành không là điều mà các trường phải tính kỹ chứ không thể để thí sinh mù mờ quyết định”.