Phân hiệu và bài toán chất lượng

GD&TĐ - Mới đây, UBND tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc chấp thuận thành lập Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại tỉnh này trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Long An.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo văn bản, UBND tỉnh Long An cho hay việc thành lập phân hiệu thật sự cần thiết nhằm nâng cao năng lực đào tạo giáo viên của các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM về việc chuyển đổi Trường CĐ Sư phạm Gia Lai thành Phân hiệu của trường đại học này. Nếu các thủ tục hoàn tất, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ có hai phân hiệu tại Long An và Gia Lai.

Xu hướng một số trường đại học, cao đẳng địa phương sáp nhập vào các trường đại học có tiềm lực mạnh, trở thành các phân hiệu đại học, đã và đang diễn ra sôi nổi trong vài ba năm gần đây. Có thể kể: Trường CĐ Kinh tế Tài chính Vĩnh Long trở thành phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long; Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập vào Trường ĐH Nông lâm TPHCM, trở thành phân hiệu trường này tại Ninh Thuận; Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai được sáp nhập vào ĐH Thái Nguyên (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai)…

Với uy tín, thương hiệu của trường lớn, cộng thêm lợi thế học phí thấp, điểm chuẩn mềm, các phân hiệu đại học có sức hút thí sinh tốt hơn thời còn là đơn vị độc lập hàng tỉnh. Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long là một ví dụ. Với phương châm “Học tại Phân hiệu Vĩnh Long - Bằng cấp, chất lượng UEH”, học phí bằng 80% tại cơ sở chính, điểm chuẩn thấp, nhiều ưu đãi như học bổng, miễn lệ phí ký túc xá học kỳ đầu tiên khi nhập học…. phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của thí sinh miệt đồng bằng. Tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 phân hiệu này đã đạt 104,2% so với chỉ tiêu, chưa kể tuyển sinh liên thông đại học, hệ vừa làm vừa học và cao học.

Trong bối cảnh số lượng trường đại học, cao đẳng lớn, không ít trường chật vật tuyển sinh, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, nguồn lực xã hội bị phân tán, kém hiệu quả, việc các trường đại học, cao đẳng địa phương sáp nhập và trở thành phân hiệu của các đại học lớn là hướng đi cần thiết, khá hợp lý. Không chỉ “cứu” các trường địa phương khỏi cảnh tuyển sinh èo uột, việc sáp nhập và trở thành phân hiệu đại học còn giúp hạn chế bớt các trường kém chất lượng, tập trung các trường mạnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, đặc biệt ở vùng còn trũng về giáo dục. Cách làm này cũng góp phần giảm bớt chi phí cho sinh viên, giảm áp lực cho trường tuyến trên, là dịp để các đơn vị cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cho đến nay các trường đặt phân hiệu tại địa phương đều cam kết chất lượng đào tạo tại phân hiệu tương đương với các điều kiện tiêu chuẩn hiện nay của nhà trường. Phân hiệu được sử dụng các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, quy trình đảm bảo chất lượng bên trong của trường, có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo… Việc công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cũng được nhiều phân hiệu nghiêm túc thực hiện.

Tuy vậy, trong bức tranh chung về sáp nhập, tuyển sinh và đào tạo tại các phân hiệu, vấn đề khiến nhiều người còn trăn trở là với đầu vào thấp hơn, “xa mặt trời”, liệu chất lượng đào tạo ở phân hiệu có tốt như điểm chính? Bởi để đảm bảo chất lượng đào tạo khi đầu vào thấp hơn, đòi hỏi các phân hiệu phải có cơ sở vật chất, đội ngũ chất lượng ít nhất như tại cơ sở chính của trường. Mà để làm được việc này, chi phí sẽ rất lớn trong lúc học phí phân hiệu thấp hơn…

Đảm bảo chất lượng đào tạo như tại cơ sở chính là một bài toán khó về mặt đầu tư của các trường, nhưng đây là một yêu cầu bắt buộc với các phân hiệu. Bởi nếu không, việc sáp nhập chỉ là phép ghép cơ học, không những không đạt được hiệu quả hướng tới, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nhà trường nói riêng, hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ