“Đại án” Bacolod
Bacolod là thành phố nằm ở miền Trung Philippines. Với sự thân thiện và hiếu khách, môi trường trong lành, nơi đây được mệnh danh là “Smile City” - thành phố của những nụ cười.
Thế nhưng, Bacolod đã đi vào trang sử đen của bóng đá Việt Nam với vụ bán độ liên quan đến các cầu thủ U23 ở SEA Games 2005. Thậm chí, nhiều cầu thủ của lứa U23 năm đó không muốn quay lại Bacolod, bởi nó gợi lại ký ức đen tối và đau thương.
U23 Việt Nam hành quân đến Philippines với một thế hệ tài năng. Trên hàng công, chúng ta có Văn Quyến, Công Vinh hay Thanh Bình, những tiền đạo đã chơi bùng nổ ở kỳ SEA Games 2003 trên sân nhà. Giữa sân, U23 Việt Nam sở hữu những tiền vệ được đánh giá top đầu khu vực như Lê Tấn Tài, Phan Văn Tài Em và đặc biệt là Lê Quốc Vượng, “ông vua” ở giữa sân thuộc loại hiếm của bóng đá Đông Nam Á, trong khi ở hàng thủ cũng có nhiều cái tên nổi bật như thủ môn Quang Huy, hậu vệ Văn Trương, Bật Hiếu, Minh Đức…
Thầy trò HLV Riedl năm đó thắng liền 3 trận để giành suất vào bán kết trước một vòng đấu. Tuy nhiên, chiến thắng 1-0 trước Myanmar đã mang đến cơn giông tố kinh khủng đổ xuống đầu U23 Việt Nam và hàng triệu NHM bóng đá nước nhà.
Theo chia sẻ của Lê Công Vinh trong tự truyện “Phút 89”: “Chiến thắng ấy có vẻ không mãn nhãn lắm nhưng tôi vẫn không biết đấy là nguồn cơn của tai họa. Lúc ấy, đã có nhiều cầu thủ đánh bài với nhau trong đội.
Có nhiều cầu thủ bật Play Station lên nhưng không chơi mà để hai đội trong máy tự đá với nhau. Họ sẽ ngồi xem và cá độ. Nhưng tôi vẫn không xem việc ấy là bất thường, có trách là trách Ban huấn luyện quản lý không chặt. Vả lại từ đánh bạc, chơi cá độ vui đến bán độ là một chặng đường rất xa. Tôi không biết gì, Đức Cường cũng không hoàn toàn biết gì... Sau này khi đã về Việt Nam, tôi mới biết thông tin bán độ qua… báo chí”.
Theo hồ sơ, sự việc bắt đầu từ Lê Quốc Vượng. Cầu thủ này đã móc nối với Văn Quyến và Quốc Anh, vừa tìm cách lôi kéo cả 4 trụ cột ở hàng thủ là Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Văn Trương.
Trong trận đấu, nhóm bán độ chỉ chơi mạnh mẽ ở giữa sân. Cả nhóm hy vọng trong hiệp 2 sẽ tràn lên ghi 1 bàn quyết định rồi thôi. Ngược với nhóm này, những cầu thủ còn lại như Tài Em, Tấn Tài… đã chơi cố gắng tạo ra nhiều cơ hội, nhưng càng tạo ra thì lại càng bị đồng đội phá hỏng.
Phải đến phút 66, Tài Em với nỗ lực lớn đã đánh đầu ghi bàn và sau đó, anh động viên đồng đội cố gắng ghi thêm bàn nữa để bảo đảm chiến thắng. Nhưng nhóm bán độ luôn tìm cách ngăn cản. Tỷ số 1-0 vừa đủ để U23 Việt Nam vào bán kết và đồng thời đủ để các cầu thủ “bán linh hồn cho quỷ dữ” thắng độ.
Vụ việc tày đình của 7 tuyển thủ U23 Việt Nam sau đó được đưa ra ánh sáng. Kết thúc phiên tòa, Lê Quốc Vượng nhận án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh bị phạt 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc; Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội tổ chức đánh bạc.
Thần đồng “chết yểu”
Phạm Văn Quyến sinh ngày 29/4/1984 tại Hưng Nguyên, Nghệ An. 12 tuổi, Văn Quyến được nhận vào lớp bóng đá trẻ của SLNA. Năm 1998, đội bóng xứ Nghệ vô địch giải thiếu niên toàn quốc, cá nhân Quyến ghi được 7 bàn thắng.
Chỉ 1 năm sau, anh giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất U16 toàn quốc”. Tuy nhiên, danh xưng thần đồng gắn với Văn Quyến khi anh cùng đồng đội tạo ra cơn địa chấn tại VCK U16 châu Á 2000, diễn ra ở Đà Nẵng.
Trong màu áo U16 Việt Nam, tiền đạo xứ Nghệ thi đấu cực kỳ xuất sắc, góp công lớn vào thành tích Top 4 chung cuộc của đội nhà. Văn Quyến trở thành “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam sau khi đoạt danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2000”.
Mặc dù vậy, thành công đến quá sớm, mặt trái của truyền thông và phần nào đó, tình yêu không giới hạn của hàng triệu NHM đã khiến cho Văn Quyến không còn giữ được đôi chân trên mặt đất.
Sai lầm nối tiếp sai lầm. Cái sau tệ hại và khủng khiếp hơn cái trước! Năm 2001, U23 Việt Nam dưới tay HLV người Brazil, Dido, tập trung chuẩn bị cho SEA Games 21, giải đấu đầu tiên môn bóng đá nam dành cho độ tuổi U23. HLV Dido khi đó đến Việt Nam mê tít kỹ thuật biến ảo của Văn Quyến, khi đó anh chưa bước sang tuổi 18.
Đắm chìm trong ánh hào quang của “thần đồng”, “cậu bé vàng”, Văn Quyến ở U23 Việt Nam năm đó được mô tả đủ các “ngón nghề” ăn chơi; trên sân tập lười biếng, khệnh khạng.
Trong khi các đồng đội đổ mồ hôi cho giáo án của HLV thì Văn Quyến tập hời hợt, qua quýt lấy lệ. Thậm chí, trong một buổi tập, Quyến còn hút thuốc và sau đó ăn ngay cái bạt tai từ ông thầy nóng tính Dido. Ngay ngày hôm sau, Dido cương quyết đòi đuổi Văn Quyến về CLB, để rồi đến SEA Games 2001, “thần đồng” của bóng đá Việt Nam không có mặt.
Quyến tiếp tục trượt dốc. HLV người Pháp Christian Letard, năm 2002, thay thế Dido ở đội tuyển Việt Nam. Như một lẽ tất nhiên, từ truyền thông và cả NHM, Văn Quyến “phải có tên trong danh sách đội tuyển”, cho dù cái tát cả ông thầy người Brazil vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người.
Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Quyến lại bị “trả về địa phương”. Nguyên nhân vẫn chỉ là: Lười tập và thái độ trên sân, đến mức ông Letard còn bút phê vào nhật ký đội tuyển “Không thể chấp nhận nổi”.
Mặc dù vậy, Văn Quyến đúng là tài năng thiên bẩm, một mẫu cầu thủ thuộc dạng cực hiếm và có lẽ ở góc độ nào đó, rất kén người dùng. Bất chấp những giông bão, anh vẫn thi đấu rực sáng khi có cơ hội. Văn Quyến cùng đội tuyển Việt Nam, dưới thời HLV Calisto, giành HCĐ Tiger Cup 2002 và 1 năm sau, trong màu áo U23 Việt Nam (HLV Riedl), tiền đạo xứ Nghệ là cầu thủ chơi hay nhất ở kỳ SEA Games được tổ chức tại Việt Nam. Những pha đi bóng đầy cảm xúc, những bàn thắng đẹp như mơ của Văn Quyến đã xóa đi tất cả những sai lầm của anh.
Đặc biệt, Văn Quyến và đội tuyển Việt Nam từng gây chấn động khi đánh bại Hàn Quốc 1-0 vào năm 2003, trong một trận đấu chính thức ở vòng loại Asian Cup 2004. Năm đó, đội tuyển Việt Nam chỉ là đội bóng thuộc nhóm trung bình, không thể so với đại gia châu Á như Hàn Quốc. Trận đấu hôm đó Việt Nam chơi phòng ngự số đông.
Và khi Hàn Quốc nôn nóng dâng cao, Việt Nam có pha phản công nhanh và Văn Quyến là người ghi bàn quyết định. Một bàn thắng rất đẹp, đẳng cấp thế giới. Cuối năm 2003, Văn Quyến giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.
Cứ ngỡ Văn Quyến sẽ trưởng thành sau năm 2003 thành công rực rỡ. Song chứng nào tật ấy, năm 2004, Quyến một lần nữa bị đuổi khỏi đội tuyển Việt Nam, sau một cơn giận tím tái mặt mày của HLV Tavares khi đó. Để rồi vụ bán độ tại SEA Games 23 đã khiến sự nghiệp của Văn Quyến rơi xuống vực thẳm đen tối.
Bước ngoặt làm thầy
Cuối năm 2009, Văn Quyến được trở lại thi đấu. Tuy nhiên, “cậu bé vàng” chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình. 2 năm án treo và những hệ lụy về tinh thần đã bóp chết tài năng của cầu thủ xứ Nghệ. Anh tuyên bố giải nghệ vào cuối năm 2014.
“Cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam năm nào thi thoảng xách giày đá phủi. Anh vẫn thể hiện được phẩm chất trên sân bằng những pha đi bóng kỳ ảo, những bàn thắng siêu phẩm và nhận về những lời trầm trồ thán phục, “đúng là Văn Quyến”, “chỉ có Quyến mới làm được”… Bỏ lại đằng sau ánh hào quang và cả những lỗi lầm, Văn Quyến có cuộc sống êm đềm cùng vợ con.
Chính quãng thời gian này có lẽ là mảnh ghép còn thiếu giúp Văn Quyến trưởng thành, chín chắn và đĩnh đạc hơn. Thần đồng của bóng đá Việt Nam ngày xưa từng bước đến với vai trò mới, vị trí mà ngày xưa khi còn thi đấu chắc chắn anh ghét cay, ghét đắng, thậm chí có lẽ cả sự thù hận, đó là làm thầy.
Năm 2018, Văn Quyến lần đầu tham gia công tác đào tạo trẻ khi dẫn dắt đội U11 SLNA cùng người đồng đội cũ Phan Như Thuật. Tại đây, anh đã có chức vô địch đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân khi cùng U11 SLNA vô địch giải Nhi đồng toàn quốc.
Sau đó 1 năm, Văn Quyến được đôn lên giữ chức HLV phó U15 SLNA và tiếp tục song hành cùng HLV trưởng Phan Như Thuật. Thành công một lần nữa tìm đến bộ đôi HLV trẻ khi U15 SLNA vô địch giải U15 quốc gia.
Sau những thành công vượt ngoài mong đợi, Văn Quyến tiếp tục được BLĐ SLNA tin tưởng, bổ nhiệm vào vị trí trợ lý HLV đội U17 SLNA. Có lẽ, những vấp ngã để đời trong sự nghiệp đã giúp Văn Quyến hiểu rằng, tài năng là điều kiện cần, nhưng muốn thành công cần cả ý chí sắt đá và sự khổ luyện.
Tình yêu của những người từng dành trọn cho Văn Quyến tưởng như đã chết, nay bất ngờ trỗi dậy sau những bước đi chín chắn, khôn ngoan trên cương vị làm thầy của cậu bé hư hỏng ngày xưa.
“Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào Quyến và muốn Quyến dành trọn tâm huyết và tài năng của mình cho bóng đá trẻ Nghệ An. Khi còn khoác áo cầu thủ, Quyến đã từng làm nức lòng khán giả với những bàn thắng đẹp như mơ, những đường chuyền đầy thông minh, sáng tạo. Khi làm thầy, Quyến sẽ truyền dạy, chỉ bảo cho lứa trẻ những kỹ thuật đẳng cấp cao ấy. Quyến thực sự là một HLV tận tâm, có trách nhiệm và rất chuyên nghiệp. Quyến chuẩn mực về mặt thời gian, không bao giờ đến muộn hơn học trò. Trước mỗi buổi tập, Quyến thường đến sớm hơn 20 đến 30 phút để chuẩn bị. Quyến là một người cực kỳ nghiêm túc nên tôi rất yên tâm”. - GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm