Phạm Phú Thứ - xứng danh hai lần đỗ giải nguyên

GD&TĐ - Hai lần đỗ Giải nguyên, vào thi Đình – Phạm Phú Thứ đỗ luôn tiến sĩ cập đệ. Đời làm quan của ông nổi tiếng với những hoài bão và cải cách khoa học.

Lăng mộ Phạm Phú Thứ tại Quảng Nam.
Lăng mộ Phạm Phú Thứ tại Quảng Nam.

Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) tên thật Phạm Hào, sau khi đỗ tiến sĩ được vua Thiệu Trị đổi là Phạm Phú Thứ. Không chỉ là nhà thơ, ông còn nổi tiếng với những quan điểm canh tân đất nước, ôm mộng Việt Nam hùng cường.

Chịu án can vua

Phạm Phú Thứ 2 lần đỗ đầu, đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi.

Phạm Phú Thứ 2 lần đỗ đầu, đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi.

Theo nguồn sử liệu, Phạm Phú Thứ quê làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là Điện Bàn - Quảng Nam). Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, tổ năm đời vốn họ Đoàn gốc Bắc Thành. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ là Phạm Thị Cẩm - con gái một thầy đồ.

Mẹ mất sớm, nhà lại nghèo nhưng Phạm Phú Thứ nổi tiếng thông minh, chăm chỉ. Ông từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) dạy dỗ, nên sớm có tiếng là người học giỏi.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm sau dự thi Hội tiếp tục đỗ đầu (Hội nguyên). Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn tiến sĩ cập đệ, gồm ba thí sinh đỗ cao nhất. Tuy nhiên, nguồn sử liệu không ghi rõ đạt danh hiệu gì.

Năm 1844, ông được bổ chức Hành tẩu, năm sau làm Tri phủ Lạng Giang (Bắc Ninh). Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được đề bạt về Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi những lời nói và hành động của vua), làm việc ở Tòa Kinh diên (phòng giảng sách của vua).

Thấy vua thích đi săn, ham mê vui chơi xa xỉ, lơ là việc triều chính, ông dâng sớ công khai chỉ trích nhà vua với lời lẽ thẳng thắn. Sau đó, ông phải trả giá khi bị cách chức, đày khổ sai vì tội “phạm thượng”.

Ông vẫn thản nhiên chấp hành lệnh vua, lúc rỗi việc thì câu cá, làm thơ vịnh cảnh. Chuyện đến tai Thái hậu Từ Dũ, bà đã khuyên Tự Đức ân xá cho Phạm Phú Thứ, triệu ông về kinh giao chức vụ mới. Năm sau, ông được phái đi công cán ở Quảng Đông để lấy công chuộc tội.

Năm 1854, Phạm Phú Thứ được bổ làm Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Tại đây, ông tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn 50 kho nghĩa thương để phòng khi chẩn tế cho dân. Với việc làm đó, ông được cử giữ chức Viên ngoại lang ở bộ Lễ.

Năm sau, ông được điều sang công tác quân sự để giải quyết cuộc bạo động của người Thượng ở Đá Vách (Quảng Ngãi). Sau khi dẹp yên, ông được thăng chức Án sát sứ ở hai tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nội.

Giục vua cải cách giáo dục

Các trang đầu của “Giá Viên toàn tập” và chân dung Phạm Phú Thứ.

Các trang đầu của “Giá Viên toàn tập” và chân dung Phạm Phú Thứ.

Ý thức về khoa học công nghệ của Phạm Phú Thứ là nét độc đáo, gần như cá biệt của một nhà Nho yêu nước trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn. Ông đã vượt lên hạn chế của xã hội đương thời với hoài bão đổi mới, hình thành xu hướng canh tân từ nửa sau thế kỷ 19.

Trong dòng canh tân thế kỉ 19, Phạm Phú Thứ được coi là những người có tư tưởng vượt trội bởi tính toàn diện khả thi, đặc biệt là những tư tưởng canh tân về kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Từ khi còn chưa sang Pháp, Phạm Phú Thứ đã manh nha tư tưởng canh tân. Năm 1856 khi giữ chức Án sát Thanh Hóa, ông đã khuyến nghị vua Tự Đức tổ chức đóng tàu thuyền vận tải, phục vụ giao thương kinh tế trong nước. Một chiếc tàu đồng được hoàn tất trong thời gian ngắn, mang tên Thụy Nhạc - đánh dấu khả năng ứng dụng khoa học, được nhà vua khen thưởng bốn lần.

Năm 1857 ông tiếp tục dâng sớ lên triều đình đề đạt một phương án mới mẻ về kinh tế và quốc phòng. Đó là sử dụng thuyền buôn tư nhân và thuê họ vận chuyển thóc gạo các tỉnh về bán ở kinh đô; dùng tàu thuyền nhà nước để chuyên chở quân lương, quân khí và nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ bờ biển.

Tuy nhiên dấu mốc tạo bước ngoặt canh tân của Phạm Phú Thứ phải nói đến chuyến đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha trong năm 1863 – 1864. Những điều tai nghe mắt thấy về phương Tây đã được ông ghi chép tỉ mỉ. Khi về nước, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách giáo dục và phát triển công nghiệp”.

Tuy nhiên, cũng có cái kết giống như Nguyễn Trường Tộ - triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận thay đổi. Nhiều lần thúc giục vua Tự Đức canh tân đổi mới giáo dục, nhưng Phạm Phú Thứ đều thất bại.

Tuy chuyến đi chỉ gần 9 tháng nhưng trong “Tây hành nhật ký” mà ông viết để lại những góc nhìn khá toàn diện ở lĩnh vực địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục về những vùng đất ông đi qua, như cảng Aden, Le Caire, cảng Alexandrie, Toulon, Marseille…

Đúng với nghĩa nhật ký, tập văn ghi chép những việc xảy ra hàng ngày, từ thời điểm sứ bộ xuống tàu rời Huế đến ngày tàu trở lại Việt Nam. Ba ngày sau, tập sách được trình lên vua Tự Đức, dòng cuối ghi rõ “thần Phạm Phú Thứ phụng thảo”.

Còn trong “Tây hành nhật ký”, Phạm Phú Thứ nêu nhiều nhận xét thú vị về phương Tây, đặc biệt là nước Pháp. Ông quan sát thấy trong bữa cơm thường nhật, nam nữ cùng ngồi chung vì bình quyền. Ông còn xét đến tục chào hỏi cúi đầu, bắt tay…

Ở từng trang ghi chép, cung cấp cho người đọc những tư liệu mới mẻ trong kho tàng kiến thức, chẳng hạn như về nhiếp ảnh. Có thể xác định Phan Thanh Giản là người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung. Thời điểm ra đời bức ảnh đầu tiên chụp vị chánh sứ này là ngày 20/9/1863.

Sau chuyến đi sứ phương Tây, Phạm Phú Thứ còn dâng 11 sớ và gửi khoảng 20 bức thư đến các đại thần như Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm… trình bày những biện pháp cải cách cần gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ…

Chứng kiến sự phát triển của khoa học kỹ thuật phương Tây, ông từng biểu lộ trong câu thơ bày tỏ sự tiếc nuối: “Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ/ Pha – lý, Long - đôn vị túc hiền” (Giá như Ðông phương sớm giỏi kỹ thuật/ Chắc gì London, Paris đã hơn ta?).

“Hậu tổ” xe trâu

Xe đạp nước dẫn thủy nhập điền (ảnh tư liệu).

Xe đạp nước dẫn thủy nhập điền (ảnh tư liệu).

Phạm Phú Thứ liên tục học hỏi và trình với triều đình nhiều kế sách, sáng kiến để mở mang đất nước, đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống. Ông thuyết phục được triều đình ban cách thức chế “xe trâu” (do ông vẽ kiểu học được ở Ai Cập, dùng trâu kéo tiện lợi gấp mấy gàu tát nước của ta), tạo 27 cỗ phát cho các tỉnh làm mẫu.

Giai thoại đất Quảng kể rằng, khi Phạm Phú Thứ theo phái đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình, lúc đến sông Nil (Ai Cập) ông để ý đến loại xe nước giống như bên ta nhưng to lớn và thay vì dùng chân để đạp thì lại dùng trâu để kéo.

Ông vẽ lại thật tỉ mỉ hình ảnh và cách vận hành, mang về nước rồi bàn với các lão nông. Chiếc xe trâu đầu tiên đóng tại Hòa Vang (Quảng Nam) và được người dân mến mộ. Về sau, người dân tôn Phạm Phú Thứ là “hậu tổ” xe trâu.

Năm 1874, Phạm Phú Thứ được bổ làm Tổng đốc Hải Yên (Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Yên) kiêm Tổng lý thương chánh Đại thần. Hơn hai vạn dân ở Hải Dương bị đói nặng, nạn nhân của vụ vỡ đê Văn Giang mấy năm liền trước đó ở phủ Khoái Châu – Hưng Yên đang trắng tay vì ngập lụt.

Trước tình hình đó, ông đã xuất 50 vạn phương thóc kho tỉnh Hưng Yên để phát chẩn và vận động người giàu dùng lúa của mình để cứu đói dân làng. Mặt khác ông tổ chức người khỏe đi khai hoang, trồng cây ngắn ngày, mở thủy lợi ở Đông Triều và Nam Sách.

Bên cạnh đó, ông còn ý thức việc truyền bá kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ của phương Tây cho người dân trong tỉnh. Cho khôi phục nhà xuất bản Hải Học Đường, vốn có từ đời Gia Long (1802 – 1819) và xuất bản 4 cuốn sách của phương Tây đã dịch từ tiếng Anh ra chữ Hán, gồm: Bác Vật tân biên (khoa học tự nhiên), Khai Môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước).

Cùng với việc xuất bản, Phạm Phú Thứ còn đề cập đến một số vấn đề khoa học công nghệ như cách đúc súng, khai thác than đá, thủy tinh và giải thích tính năng, tác dụng của chất axit sunfuric trong công nghiệp. Các sách xuất bản và sự diễn giảng của ông về khoa học phổ thông đã có tiếng vang trong dư luận xã hội đương thời.

Năm 1882, Phạm Phú Thứ ốm và mất tại quê nhà giữa những ngày u ám nhất của vận mệnh nhà Nguyễn. Nghe tỉnh thần tâu lên, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ