Vị Hoàng giáp có 'chí nuốt trâu' từ thời niên thiếu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không chỉ là Hoàng giáp đầu tiên và trẻ nhất lịch sử khoa bảng, Nguyễn Trung Ngạn còn được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần”.

Đền Hương Tượng – 1 trong 7 nơi tại Hà Nội thờ Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn.
Đền Hương Tượng – 1 trong 7 nơi tại Hà Nội thờ Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn.

Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) thuở nhỏ tên là Cốt, tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi - Hưng Yên). Trần Nguyên Đán, đại thần tôn thất nhà Trần đánh giá Nguyễn Trung Ngạn có tài kinh bang tế thế “như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn”.

Người đứng đầu Thăng Long

Tư đồ Trần Nguyên Đán - ông ngoại Đại thi hào Nguyễn Trãi đã ca tụng Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn là người: “Lịch sử ngũ triều thiên tử thánh/Tiệm nhiên trâm hốt diện công hòe (Trải thờ năm triều vua thánh/Hiên ngang trâm hốt, xứng mặt Tam công).

Theo các câu chuyện truyền miệng tại Thổ Hoàng, tài năng của Nguyễn Trung Ngạn phát lộ từ rất sớm. Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, được người đương thời tôn xưng là “thần đồng”.

Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp (1304). Không chỉ là Hoàng giáp đầu tiên, Nguyễn Trung Ngạn còn là vị Hoàng giáp trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Hoàng giáp là danh hiệu của học vị Tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến. Danh hiệu này được xác định trong kỳthi Đình, còn gọi làtiến sĩ xuất thân. Vì đứng thứ hai trong hệ thống các học vịtiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp nên còn gọi làĐệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân.

Hoàng giáp (đệ nhị giáp) được quy định lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vuaTrần Thái Tông. Tuy nhiên, đến khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông, lịch sử mới ghi nhận đến danh hiệu này.

Năm 24 tuổi, Nguyễn Trung Ngạn giữ chức giám quan. Ông nổi tiếng giỏi về chính sự, được cất nhắc làm Thiêm tri coi việc ở cung Thánh từ. Năm 1326, ông được cử làm An Phủ sứ Thanh Hoa. Năm 1329, ông hộ giá vua Trần Minh Tông đi đánh Đà Giang, và viết quyển “Thực lục” về cuộc hành quân này.

Năm 1332, Nguyễn Trung Ngạn được bổ nhiệm làm việc tại Viện Thẩm hình, kiêm An Phủ sứ Thanh Hoa. Năm 1337, ông làm An Phủ sứ Nghệ An, coi việc chép quốc sử, rồi làm Tào Vận sứ ở lộ Khoái Châu. Ông đặt Tào Thương kho, chuẩn cấp cho dân đói.

Mùa xuân năm 1342, Nguyễn Trung Ngạn được tin cẩn trao trọng trách giữ chức Đại doãn Kinh sư Thăng Long (quan đứng đầu kinh thành, tương đương với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày nay), và là vị Kinh sư đại doãn nổi tiếng nhất trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Ở Hà Nội hiện có tới 7 ngôi đình, đền thờ Nguyễn Trung Ngạn.Ông cũng là danh nhân có nhiều công trình tưởng niệm nhất ở Hà Nội. Các nhà sử học cho rằng, ngoài vị trí là người đứng đầu kinh thành Thăng Long trong nhiều năm, điều quan trọng nhất khiến ông được người dân tôn kính và thờ phụng, chắc chắn phải là một vị quan liêm khiết, thương dân, làm được nhiều việc tốt cho dân.

Cần nói thêm là theo sử sách, dưới triều Trần vai trò của chức quan đứng đầu kinh thành rất được coi trọng. Những vị quan được cử giữ chức cai quản kinh sư đều là những bậc tài cao đức trọng, danh tiếng và nổi tiếng liêm khiết nhằm bảo đảm tư cách và năng lực của người đứng đầu kinh thành.

“Chí nuốt trâu” - vị quan tốt

Tượng thờ Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn.

Tượng thờ Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn.

Khi vua Trần Dụ Tông lên ngôi, Nguyễn Trung Ngạn cùng Trương Hán Siêu biên định bộ “Hoàng triều đại điển” gồm 10 quyển, khảo soạn bộ “Hình thư thi hành”. Hai tác phẩm này được xem là cơ sở pháp chế quan trọng của triều đình nhà Trần.

Trong cuộc đời mình, Nguyễn Trung Ngạn trải nhiều chức vụ từ chức Thông giám đến Tể tướng. Ông làm quan trải qua 5 triều vua Trần, để lại dấu ấn trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học...Ở đâu ông cũng là người thanh liêm hết lòng tận tụy với công việc.

Ông tự tóm tắt mình trong mấy câu thơ: Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu/Có chí nuốt trâu từ niên thiếu/Tuổi mới mười hai thái học sinh/Vừa đến mười sáu dự thi đình/ Hai mươi bốn tuổi làm quan giám/Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh.

Ông đã hai lần được giao phó đi sứ nhà Nguyên, có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chủ quyền và độc lập dân tộc trong cuộc bang giao Nam - Bắc. Khi mới 26 tuổi, ông đã được tin cẩn cử đi sứ nhà Nguyên, một công việc quan trọng liên quan thể diện quốc gia và đầy nguy hiểm.

Sử sách và trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện ông tiếp sứ nhà Nguyên đầy thú vị. Năm 1324, vua Nguyên mới lên ngôi, sai sứ thần Mã Hợp Mưu mang chiếu sang nước ta báo tin.

Chúng ngạo nghễ cưỡi ngựa định vào thẳng hoàng cung. Quân thị vệ ngăn lại thì bị mắng chửi. Các viên quan biết tiếng ra đón tiếp, trình bày hơn 3 giờ liền mà chúng không thèm nghe.

Một bên là không thể bất nhã với sứ nước khác, nhất lại là nước lớn láng giềng. Còn một bên là quốc thể không thể để bị hạ thấp. Vua Trần vô cùng tức giận, sai Nguyễn Trung Ngạn ra gặp Mã Hợp Mưu.

Ông đã dùng kiến thức uyên bác và lý lẽ sắc bén của mình khiến sứ giả nhà Nguyên đuối lý, chịu xuống ngựa, bưng chiếu đi bộ vào yết kiến vua Trần. Khi biết Nguyễn Trung Ngạn là quan Ngự sử, 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp thì sứ thần nhà Nguyên thay đổi thái độ. Từ đấy cho đến khi về nước, mọi cử chỉ hành động đều khiêm nhường, không dám ngông nghênh như trước.

Cuộc đời Nguyễn Trung Ngạn còn được khắc hoạ sâu sắc tố chất của vị quan có tài có đức. Khi làm Tào Vận sứ lộ Khoái Châu, ông có sáng kiến lập ra các kho Tào thương để chứa thóc tô kịp thời cấp cho dân lúc đói. Sáng kiến này được vua Trần đồng ý và xuống chiếu cho các lộ bắt chước thi hành.

Sáng như Bắc Đẩu, cao tựa Thái Sơn

Phần mộ Nguyễn Trung Ngạn tại quê nhà Hưng Yên.

Phần mộ Nguyễn Trung Ngạn tại quê nhà Hưng Yên.

Khi trấn nhậm Thanh Hóa, ông cho rà lại sổ sách và đứng ra xét xử các vụ án, làm gương cho các quan lại giữ trọng trách ở địa phương để không xảy ra oan ức. Khi làm việc ở Thẩm hình viện, ông lập Bình doãn đường để xét xử ngục tụng, không ai bị oan hoặc bị xử quá đáng, người đương thời lúc đó ví ông như Bao Công.

Vụ án về nho sinh họ Đỗ bị xã trưởng và chánh tổng bắt giải lên huyện, cùng một túi vàng có 10 lượng với tội danh giết người cướp của là một ví dụ. Khi thẩm vấn phạm nhân, ông nhận thấy Đỗ Sinh là người thật thà, còn xã trưởng và chánh tổng có thái độ đáng ngờ. Ông cải trang thành lái buôn đến tận nơi đào vàng và tìm về quê của thủ phạm để điều tra, vẫn không tìm ra manh mối.

Không để người ngay chịu tội, ông tiếp tục cho mở rộng điều tra, phát hiện người bạn của Đỗ Sinh đi làm ăn xa trở về có liên quan đến vụ án. Anh ta có giữ hộ Đỗ Sinh giấy biên nhận nộp vàng cho xã trưởng và chánh tổng sau khi nhặt được túi vàng là 20 lượng.

Hai kẻ kia đã thông đồng bớt lại nửa số vàng rồi vu cho Đỗ Sinh tội giết người cướp của. Nguyễn Trung Ngạn khám nhà chánh tổng thấy 10 lượng vàng chôn dưới gốc cây thì lập tức tống giam 2 kẻ bất lương, còn Đỗ Sinh được thưởng 1 lượng vàng để ăn học.

Nguyễn Trung Ngạn còn để lại một sự nghiệp trước tác đáng nể trọng cho hậu thế. Là một nhà thơ có tài trên thi đàn dân tộc, thơ của Nguyễn Trung Ngạn được nhiều danh nho đánh giá cao và sưu tập lại, nổi tiếng nhất là tập thơ: Giới Hiên thi tập, được sử gia Phạn Huy Chú ở thế kỷ 9 ca ngợi “Lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng – tức Đỗ Phủ đời Đường”.

Cố GS-NGND Nguyễn Tài Cẩn nhận xét: “Nguyễn Trung Ngạn cũng là người đầu tiên sáng tạo ra lối lục ngôn thể, mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau..”.

Hiện nay, di bút duy nhất của Nguyễn Trung Ngạn còn được lưu lại là tấm bia khắc trên vách đá ở Nghệ An mang tên “Ma Nhai kỉ công bia văn”. Ngoài giá trị văn học được các nhà sử học ca ngợi, đây cũng chính là tấm văn bia khắc trực tiếp lên vách núi cổ nhất tại Việt Nam.

Hiện nay, tại Thổ Hoàng – quê hương Nguyễn Trung Ngạn còn lưu giữ di tích cũng như lăng mộ ông. Lăng mộ đặt trên cồn Con Nhạn, có hình dáng như con nhạn, rộng chỉ khoảng 70m2. Trên mộ là nhà bia tưởng niệm hình vuông, 8 mái cong kiểu cổ. Ngoài cùng cổng nhà bia trên hai cột đề câu đối: Ái quốc danh nhân công linh tại/ Trung quân chính khí sử ký tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.