Phải tránh khoảng trống pháp lý

GD&TĐ - Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra hy vọng nguồn lực đất đai sẽ được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Điều không kém phần quan trọng tiếp theo là phải cụ thể hóa các quy định mới, các chính sách đột phá có thể thực thi ngay lập tức khi Luật có hiệu lực vào 1/1/2025.

Trước mắt, Chính phủ và Thủ tướng sẽ phải xây dựng và ban hành 9 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường có: (1) Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; (2) Nghị định về giá đất; (3) Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (4) Nghị định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; (5) Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đang trong quá trình hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn tất thủ tục để ban hành dự thảo Nghị định về lấn biển theo trình tự rút gọn.

Cùng với đó, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.

Khối lượng công việc cần chuẩn bị từ nay đến khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực là rất lớn, đặc biệt là việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Một mặt, số lượng văn bản cần ban hành là khá nhiều; mặt khác, đây cũng là những nội dung khó và phức tạp, đòi hỏi tham vấn chi tiết, kỹ lưỡng trong khi quỹ thời gian không còn nhiều.

Nếu không hoàn thành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng và trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì những quy định mới - được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách đất đai hiện nay - sẽ chậm đi vào cuộc sống. Vì thế, giờ là lúc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho nhiệm vụ này với tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành rà soát các điều khoản, quy định của Luật Đất đai năm 2024 giao cho Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết để đề xuất phân công, giao trách nhiệm xây dựng ban hành theo thẩm quyền với tinh thần và quyết tâm cao nhất.

Có như vậy mới tránh được tình trạng “luật chờ nghị định” vẫn xảy ra lâu nay và không để xảy ra khoảng trống pháp lý với văn bản luật có tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.