Phải làm gì khi trẻ hay nhút nhát, sợ hãi nơi đông người?

GD&TĐ - Nhiều trẻ rất khó để thích nghi khi đến chỗ đông người hoặc thay đổi môi trường sống như chuyển nơi ở, cấp học...

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP Rạch Giá, Kiên Giang) chơi cờ vua giờ ra chơi. Ảnh minh họa: INT.
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP Rạch Giá, Kiên Giang) chơi cờ vua giờ ra chơi. Ảnh minh họa: INT.

Lâu dần, trẻ sẽ dễ thu mình lại, thiếu tự tin và ngại giao tiếp.

Nguyên nhân dẫn đến nhút nhát

Rất nhiều cha mẹ lo lắng và muốn giúp con mình cải thiện sự tự tin khi đứng trước đám đông. Điều này giúp con hoạt bát, thích nghi được với môi trường đông người và trưởng thành hơn.

Theo chuyên gia, trẻ khó thích nghi với đám đông thường có biểu hiện không tự tin, cứ đến chốn đông người là nhút nhát, sợ hoặc ngại tiếp xúc với người lạ. Nặng hơn là các triệu chứng khó chịu, lảng tránh, căng thẳng... Do đó, cần giúp con những kỹ năng để thích nghi ở chỗ đông người cũng như tự tin, cởi mở trong giao tiếp.

Chuyên gia nhấn mạnh, nhiều trẻ khi giao tiếp với người nhà, người thân hòa đồng vui vẻ nhưng gặp người lạ thì phản ứng trái ngược, tâm lý căng thẳng, nét mặt ngơ ngác và cử chỉ không tự nhiên, rất khó thích nghi. Nguyên nhân là do trẻ ít được giao tiếp với người lạ, tập thể hay đám đông và lâu dần mất tự tin.

Cô Lê Thu Trang - Trường Liên cấp IQ (Hà Nội) cho biết, mỗi đứa trẻ có cách tiếp cận với thế giới riêng, nên sẽ có những bé phản ứng chậm với thay đổi xung quanh, môi trường mới. Trẻ chỉ chấp nhận những gì là quen thuộc như nói nhiều, chơi vui vẻ với người thân. Ngược lại không có phản ứng với các bạn, không giao tiếp với người lạ, thụ động không chịu học.

Bên cạnh đó, những trẻ được người lớn bảo bọc, nuông chiều thái quá thường ngại tiếp xúc với đám đông. Khi phải hòa nhập với tập thể, trẻ không thích nghi kịp, dễ hoảng loạn, sốc tâm lý. Đây cũng là lý do nhiều bé gào khóc, trốn tránh khi lần đầu tiên đến trường.

“Nhiều phụ huynh ngạc nhiên vì không tin rằng trẻ nhỏ đã biết đến cảm giác mặc cảm vì bản thân. Trên thực tế, nhiều bé mắc chứng mặc cảm về tâm lý vì học không giỏi, kém tự tin về tài năng hay thành tích của mình. Hoặc mặc cảm về sinh lý do có đặc điểm ngoại hình yếu ớt, thấp còi, có khuyết điểm… Ngoài ra những tác động tiêu cực từ việc chê bai trẻ cũng khiến trẻ gặp phải áp lực và rất khó thích nghi khi xuất hiện trước đám đông”, cô Trang cho hay.

Ngoài ra, trẻ sống trong môi trường gia đình không trọn vẹn như bố mẹ thường xuyên bất đồng quan điểm, tranh cãi trước mặt trẻ, thiếu thốn tình cảm, ly hôn… Hay việc trẻ trở thành người bị tách biệt trong nhà, không còn cảm giác an toàn, không tin tưởng ai hay bất kỳ điều gì… Đây là những nguyên nhân khiến trẻ trở nên khép kín và sợ hãi trước mọi đám đông.

tre kho o noi dong nguoi2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Giúp trẻ làm quen chốn đông người

Theo cô Đỗ Thị Hường - Trường THCS Hoà Lâm (Hà Nội), nhiều trẻ có thể hoạt ngôn, tự tin ngay từ khi còn nhỏ nhưng cũng có nhiều em lại rụt rè, khó khăn khi giao tiếp đông người. Vậy nên, cha mẹ cần quan tâm, tạo cho con một môi trường tốt để phát triển, từ đó kích thích sự tự tin trong con. Khi con có được điều đó sẽ cảm thấy yêu đời hơn, có thể nói ra được nhiều điều mong muốn, phát huy được khả năng tư duy sáng tạo và dễ dàng thích nghi với môi trường sống.

Cô Hương cho rằng, trước khi cho con trẻ tiếp xúc với một môi trường mới, đặc biệt là các đám đông, thì điều quan trọng là các phụ huynh cần giúp trẻ chuẩn bị trước về tâm lý. Phụ huynh hãy mô tả cho con biết trước về nơi đến, kể về những người có thể gặp, những vật dụng hay quang cảnh có ở đó. Chính điều này giúp bé không những cảm thấy thích thú, chờ đợi để đến đám đông đó mà còn giúp trẻ không cảm thấy xa lạ hay bỡ ngỡ về môi trường mới này.

Cần cho trẻ tiếp xúc từ những đám đông có quy mô nhỏ đến quy mô lớn, bắt đầu từ những khu vực gần nhà đến xa nhà để con quen dần với những thay đổi và dễ dàng thích nghi trước đám đông. Ví dụ, ban đầu, cha mẹ có thể dẫn bé sang nhà hàng xóm, rồi đến công viên, trung tâm mua sắm…

“Đa phần trẻ nhút nhát trước đám đông vì chúng không cảm nhận được sự an toàn từ những người lạ, vật lạ trong môi trường đó. Đặc biệt, khi quy mô đám đông càng tăng thì con lại càng cảm thấy lo lắng. Do đó, hãy tạo cho con cảm giác an toàn”, cô Hường chia sẻ.

Thực tế, nhiều bố mẹ than vãn rằng, trong mùa dịch bệnh, do hạn chế đi lại nên trẻ thường bị nhốt trong nhà, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, không giao lưu với bạn bè nên trở nên nhút nhát hơn trước dịch. Nhưng chúng đâu có lỗi.

“Trẻ sẽ dễ dàng cởi mở hơn với bạn bè cùng trang lứa và bắt chuyện với nhau hơn. Cha mẹ nên để trẻ chơi với những trẻ khác, tránh vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà giữ trẻ ru rú trong nhà. Hãy đưa trẻ đến trường, khu vui chơi hoặc mời bạn bè của con đến nhà cùng chơi. Điều này sẽ giúp trẻ không còn cảm thấy sợ sệt khi đến đám đông nữa. Thậm chí, trẻ còn dễ thích nghi khi phải thay đổi môi trường sống hay chuyển cấp học”, cô Hường đưa ra lời khuyên.

Theo cô giáo Trường THCS Hoà Lâm, cha mẹ không nên ép bé phải làm quen liền với đám đông và đám đông cũng đừng tạo áp lực lên con. Tránh những câu hỏi dồn dập từ nhiều người làm cho con trở nên lo lắng và sợ sệt hơn. Hãy để cho con tự khám phá môi trường mới và đối thoại, làm cầu nối giữa bé với đám đông một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhất có thể, nhờ đó, con sẽ thích nghi dần với những thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Bé gái ở Phú Thọ chào đời nặng 5kg

GD&TĐ - Thai phụ 37 tuổi, mang thai lần 3 vừa được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) mổ đẻ đón em bé gái nặng 5kg chào đời.

Caffeine - có trong cà phê, trà và ca cao - có thể tác động tích cực đến các tế bào tiền thân nội mô.

Thức uống tốt cho tim mạch

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới từ Đại học Sapienza (Italy) cho thấy, uống trà và cà phê có thể tốt cho tim mạch.