Liên quan đến phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, GS LEE Chi-kin cho rằng: Chúng ta cần cho phép sự mạo hiểm cũng như khả năng mắc sai lầm. Có thể ban đầu giáo viên làm chưa được tốt; khi khảo sát, kết quả không “đẹp” lắm, không giống những gì ta hình dung; nhưng cần hiểu rằng cần phải có sự mạo hiểm đó, vì hoàn cảnh không bao giờ theo những hình dung ban đầu của chúng ta cả.
Khẳng định cần cho giáo viên có quyền sai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hong Kong cũng nói đến việc hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro nói trên. Làm bằng cách tiến hành nghiên cứu ở cấp trường; sau khi thu thập dữ liệu, bằng chứng, minh chứng phản hồi từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, giáo viên phải nghĩ làm sao để cải thiện cách dạy; sau đó lại tiếp tục thí điểm; tiếp tục lấy ý kiến, rút kinh nghiệm và làm lại…
“Thời gian triển khai trong khoảng vài năm, từ xây dựng ý tưởng, thực hiện ý tưởng, thành công thì nhân rộng ra trong toàn trường. Đó là cách chúng tôi làm ở Hong Kong. Trên thực tế, những trường áp dụng cách làm này thường tốt hơn những trường không áp dụng” - GS LEE Chi-kin cho biết.
GS LEE Chi-kin: Chúng ta cần cho phép ở giáo viên sự mạo hiểm cũng như khả năng mắc sai lầm. |
Chia sẻ về hiệu quả giảng dạy, Phó hiệu trưởng ĐH Hong Kong thể hiện sự tâm huyết với việc giáo viên cần biến kiến thức trong sách vở thành vấn đề trong cuộc sống, để học sinh phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề; không giải bài tập kiểu truyền thống mà vấn đề hóa các kiến thức đó.
“Giáo viên phải trả lời được nếu học sinh hỏi vì sao phải học Toán, vì sao cần học công thức này?... Chúng tôi muốn giáo viên phải biết liên hệ kiến thức với thực tế cuộc sống, có thể giải thích vì sao kiến thức này hữu ích” - GS LEE Chi-kin nói.
Dành khá nhiều thời gian để nói về phát triển mô hình và chương trình khung cho chương trình đào tạo giáo viên, GS LEE Chi-kin đưa ra một số thực hành đổi mới trong đào tạo giáo viên như: Dạy học theo nhóm; dạy học kết hợp chiêm nghiệm/suy ngẫm; dạy học kiến tạo; học kết hợp; kỹ năng mềm; ứng dụng công nghệ thông tin…
Ông cho rằng, những thành tố quan trọng đem đến hiệu quả của nghề giáo là: việc cần hợp nhất các nguồn lực; điều kiện đãi ngộ với việc tuyển dụng và sử dụng; chuẩn bị cho các vai trò kép của giáo viên; giáo dục liên môn; học tập kết hợp và mạng lưới hợp tác; đánh giá năng lực thực hiện công việc.
“Đánh giá năng lực thực hiện công việc cần được nhìn nhận là mang tính hướng dẫn chứ không phải mang tính trừng phạt” - GS LEE Chi-kin nhấn mạnh.