(GD&TĐ) - Sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định (Bình Dương) trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500KV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam, dẫn tới sự cố mất điện diện rộng ở khu vực phía Nam chiều 22/5 thực sự trở thành vấn đề “nóng”. Nhất là nguyên nhân được chỉ ra một cách nhanh chóng là do một cây dầu do lái xe cần cẩu bất cẩn làm chạm vào đường dây. Sự an toàn của cả một hệ thống lưới điện trọng yếu, hoá ra chỉ yếu ớt đến thế!
Tất nhiên cây dầu không có tội. Cũng không thể đổ hết tội cho người lái xe cẩu bất cẩn kia. Vấn đề được đặt ra là, hệ thống điện lưới quan trọng đến thế, cung cấp điện cho gần như toàn bộ miền Nam của đất nước, thực tế một ngọn cây vấp vào cũng “sập”. Dẫu cơ quan hữu trách đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và xử lý sự cố trong thời gian nhanh nhất có thể, nhưng thiệt hại về kinh tế có lẽ phải mất một thời gian nữa mới tính toán hết được. Tất cả xuất phát từ một nguyên nhân vô cùng đơn giản và nói như ngôn ngữ dân gian thì hết sức… vớ vẩn.
Điện đang mất trên diện rộng tại TPHCM. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Lần lại quy định của Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (NPT), hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không (khoảng không gian dọc theo đường dây) được giới hạn như sau: “Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh theo quy định đối với đường dây điện 500 KV là 7m. Chiều cao hành lang được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng đối với đường dây 500 KV là 6m”.
Được biết, vườn cây dầu do Công ty cây xanh (Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thuộc Tổng công ty Becamex quản lý, thuê xe cẩu biển số 61P-3745 để cẩu cây di chuyển đến nơi khác trồng. Sau sự cố, cơ quan chức năng phát hiện trên xe cẩu còn có 12 cây dầu chiều dài trung bình 17m, bằng với chiều cao cây dầu đang “treo” trên đường dây 500KV. Rà từ quy định ra với chiều cao tối đa được phép của cây trồng (đã phát triển) với chiều cao thực tế của loại cây dầu đang được trồng (trung bình 17m), thử hỏi ai đã cho phép việc trồng cây này ngay hành lang lưới điện quốc gia?
Quy trách nhiệm về ai rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nhưng chỉ một cái cây “quẹt” vào, cả hệ thống điện cung cấp cho nửa đất nước tịt ngóm, gây nên sự cố lớn liên quan đến hệ thống cấp điện quốc gia trong vài chục năm trở lại đây. An toàn hệ thống mà ngành điện vẫn thường kêu gọi cả xã hội tuân thủ, thực tế lại vô cùng mất an toàn. Cứ cho xuất phát từ việc tài xế bất cẩn để ngọn cây dầu chạm vào đường dây, nhưng cả một hệ thống thiết bị an toàn như thiết bị tự động bảo vệ đường dây, trạm biến áp… (mà ngành điện luôn khẳng định là đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật) nằm ở đâu trong sự cố này? Vô dụng là điều không ai muốn nói thẳng ra, nhưng đều phải thừa nhận. Suốt gần 20 năm kể từ khi đường dây 500KV đi vào hoạt động, hàng loạt diễn biến bất thường của thời tiết cũng không làm suy chuyển đường dây, chẳng qua là chưa “ngã” vào như cây dầu tội nghiệp này, để làm “phép thử” cho khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống điện lưới huyết mạch quốc gia.
Thế nên mới nói hãy cảm ơn cây dầu. Và người cảm ơn, không ai khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Một sự cố nhỏ (đến mức lãng xẹt) cũng đủ gây hậu quả lớn. Nếu sự cố lớn hơn nữa, hậu quả xảy ra sẽ là như thế nào? Một cái giật mình cần thiết để nhìn nhận thẳng vào thực tế chất lượng công trình mình quản lý, điều đó thiết tưởng rất cần thiết đối với ngành điện hiện nay, dù cái “giật mình” đó, trên lý thuyết đáng ra là không bao giờ được phép tồn tại…
Nhất Nguyên