Hình ảnh cậu con trai lớp 9 ngồi gục đầu khóc bên thi thể mẹ bị "xe điên" tông tử vong khiến cộng đồng xót xa
Hai ngày nay, hình ảnh cậu con trai lớp 9 ngồi gục đầu khóc bên thi thể nữ lao công bị "xe điên" tông tử vong trên đường Láng (Hà Nội) đêm 22/4 được báo chí, cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ.
Bên cạnh sự xót thương nữ lao công mang trong mình nhiều bệnh tật vẫn gắng gượng ngày chạy xe ôm, tối đi quét rác nuôi hai con là sự bức xúc với tài xế xe “điên”, chỉ vì chén rượu mà cướp đi mạng sống người mẹ, đẩy hai đứa trẻ đang độ tuổi ăn học vào cảnh bơ vơ, cận kề nỗi lo đứt gánh học hành...
Đây chỉ một trong số rất nhiều các vụ TNGT do tài xế uống rượu bia gây ra trong thời gian qua.
Tối 20/10/2018, nữ tài xế điều khiển xe ô tô hiệu BMW trong tình trạng say xỉn đã đâm hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh (Tp. Hồ Chí Minh), khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người bị thương.
Tối 15/7/2018, một tài xế xe con say xỉn đã lao lên vỉa hè, đâm tử vong hai nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT quốc gia tại bãi giữ xe quán cafe ven QL28, thị trấn Đăk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Chiều 14/1, trên TL603 đoạn qua xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), một tài xế ô tô bán tải say rượu đâm tử vong hai nữ sinh lớp 9 đi bộ cùng chiều...
Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba Châu Á về việc tiêu thụ bia rượu. Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân.
Việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc tùng gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người.
Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, họ đã gieo cái chết cho bao người tham gia giao thông vô tội, vô tình gieo luôn những án “tử” không hẹn trước cho chính bản thân mình. Và đằng sau những vụ tai nạn ấy, là sự tan nát của các gia đình khi mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái bơ vơ không nơi nương tựa…
Các quy định pháp luật về việc sử dụng rượu bia đã có, mức xử phạt đối với tài xế tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định cũng đã rất cụ thể, mức tối đa lên tới 18 triệu đồng. Thế nhưng, chế tài này dường như không còn đủ sức răn đe khi những vụ TNGT kinh hoàng do tài xế say rượu gây ra ngày càng nhiều và ngày càng thảm khốc.
Thật quá phi lý khi giờ đây, tính mạng nhiều người tham gia giao thông lại phải trông chờ, phó mặc vào sự may rủi trên đường, lại phải cầu mong ra đường không gặp phải tài xế say rượu, nghiện ma tuý.
Không còn cách nào khác, phải thay đổi văn hoá uống rượu bia, mà muốn thay đổi được thì quản lý và pháp luật phải đi trước, cần phải có những quy định pháp luật mạnh mẽ hơn đối với vi phạm này, như tước GPLX vĩnh viễn, thậm chí bỏ tù tài xế vi phạm.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước phạt tù người tài xế sử dụng rượu bia. Ở Việt Nam, nên chăng cũng cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra TNGT.
Bởi theo phân tích của Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT, dù tài xế chưa gây ra tai nạn, nhưng việc uống rượu say, rồi điều khiển phương tiện giao thông là tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội, do đó việc xử lý hình sự không nhất thiết phải đợi đến khi xảy ra hậu quả. Chẳng hạn như tội tàng trữ vũ khí quân dụng hay hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy… thực tế chưa gây ra hậu quả nhưng nó ẩn chứa sự nguy hiểm cho xã hội nên cũng bị coi là hành vi phạm tội.
Nếu pháp luật quy định bỏ tù tài xế uống rượu bia vẫn lái xe, chắc rằng, sẽ nhiều tài xế sẽ không dám vi phạm, từ đó TNGT liên quan đến rượu bia sẽ được đẩy lùi.