Giờ văn không phải là giờ đọc chép, mà ở đó cô thăng hoa với những bài dạy mượt mà, những liên tưởng thực tiễn giúp trò thêm sâu sắc với bài học.
Luồng gió mới
Lên lớp cùng học sinh lớp 6A2, Bài 4 với chủ đề “Quê hương yêu dấu” (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), cô Hiền có cách dạy khoáng đạt, truyền cảm xúc khiến giờ học Văn không nặng nề, sáo rỗng bởi sự truyền thụ kiến thức một chiều theo cách dạy xưa cũ. Cô Hiền cho hay, trong chủ đề này, học sinh được tìm hiểu vẻ đẹp của quê hương qua các bài ca dao thân thuộc, gần gũi qua văn bản 1. Văn bản 2 trong bài là “Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ. Đây là bài mới, lần đầu được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6, bài ghép kiến thức của hơn 1 tiết.
Và bài “Chuyện cổ nước mình” cũng được đánh giá là khó, trong phân phối chương trình phải dạy trong thời gian 2 tiết. Bài thơ hay và có nhiều từ trừu tượng, ít tài liệu để hướng theo học sinh. Chủ yếu là phần cảm nhận của tác giả với bài thơ. Theo cô Hiền, học sinh lớp 6 mới tiếp cận về cách học môn Ngữ văn mới nên giáo viên phải linh hoạt, phải tích hợp để các em có thể tiếp cận dễ dàng.
Bài hát “Về miền cổ tích” là chất dẫn xuất ngọt ngào mà cô Hiền dùng để đưa học sinh vào bài thơ. Với bài dạy này, giáo viên cũng có thể tích hợp những video chuyện cổ tích mà học sinh đã được đọc, nghe, xem trong đời sống hàng ngày để “vào” bài một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Học sinh được khởi động, tạo hứng thú cho bài học qua trò chơi “Ai nhanh hơn” cùng tìm ra những câu chuyện cổ có trong bài hát.
Phương pháp giáo dục làm việc nhóm, trao đổi, thảo luận, báo cáo kết quả được cô giáo sử dụng giúp phần tìm hiểu về tác giả, tác phẩm không khô khan, cứng nhắc. Qua phần báo cáo của các bạn, học sinh khác nhận xét, cô “chốt” kiến thức sau đó cả lớp ghi bài. Không còn “lối” đọc chép, học sinh được hoạt động và chủ động chiếm lĩnh tri thức.
Với giọng đọc trầm, ấm, thiết tha, cô giáo và học sinh cùng nhau đọc từng đoạn văn bản. Học sinh nêu những từ khó trong bài, giúp nhau giải nghĩa dưới sự nhận xét, giải thích của cô giáo hướng dẫn. Hoạt động khám phá văn bản, dưới sự hướng dẫn, gợi mở của cô, trò hiểu được tình cảm của nhà thơ với chuyện cổ nước mình và ý nghĩa các câu chuyện cổ. Trong bài dạy, cô Hiền linh hoạt nhiều phương pháp để giúp học sinh tiếp cận sâu văn bản như: Hỏi - đáp; thảo luận nhóm đôi; trao đổi thảo luận nhóm…
Học sinh không chỉ hiểu được ý nghĩa văn bản, nắm được đặc điểm thơ lục bát, nhận xét độc đáo của từ ngữ mà còn được rèn khả năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác… Phần luyện tập, học sinh được củng cố kiến thức qua trò chơi mảnh ghép bí mật. Tiếp theo các em được vận dụng kiến thức đã học, phát huy năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác qua tiểu phẩm “Về miền cổ tích”.
Gắn liền thực tiễn
Dự giờ tiết dạy của cô Hiền, ông Trần Đức Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo nêu quan điểm, bước từ Chương trình giáo dục 2006 sang Chương trình GDPT 2018 khiến nhiều nhà trường, giáo viên băn khoăn dạy sao cho kiến thức phù hợp với học sinh, giúp các em phát triển được phẩm chất năng lực như đúng tinh thần của tác giả viết sách.
Cách dạy của cô Hiền tạo “một đường cày” với sự sáng tạo trong các hoạt động khiến kiến thức liên hoàn, bài dạy đơn giản, gọn gàng để văn học gần cuộc sống và đưa thực tiễn vào văn học.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hương - Chuyên viên phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền cho rằng, các nhà trường vẫn loay hoay khi thay sách, nhiều thầy cô chưa biết nên thiết kế bài dạy như thế nào cho phù hợp. Nhưng bài dạy của cô Hiền đã để lại ấn tượng với lối dạy truyền cảm. Cô đã làm tốt định hướng đưa cuộc sống bước vào trang sách, đưa sách ra ngoài cuộc sống.
Thể hiện quan điểm về việc này, cô Hiền chia sẻ: “Văn học là từ cuộc sống và học sinh học văn phải có sự kết nối liên tưởng với thực tiễn. Đây là điều sống còn của việc dạy văn. Hiểu được điều đó tôi cũng cố gắng làm sao cho những bài giảng của mình sẽ bắt đầu từ một vấn đề thực tiễn cuộc sống, sau đó đặt vấn đề, gợi mở cho học sinh bàn bạc từ đó dẫn dắt vào bài học”.
Vì là năm đầu tiên thay sách mới nên cô Hiền luôn cố gắng tìm cách khai thác SGK và các tài liệu. Cô cũng xác định đang đi đường cày đầu tiên trong hành trình đổi mới. “Tôi cố gắng tận dụng hướng dẫn của SGK, SGV, nguồn tri thức văn đã có từ trước, những tư liệu trên mạng và thực tế đời sống để đưa vào bài dạy một cách phù hợp”.
Cô Hiền luôn trăn trở đặt ra mục tiêu, sau khi khai thác xong bài học, trò tìm hiểu được những vấn đề gì của cuộc sống. Học sinh dựa vào vốn sống, hiểu biết của lứa tuổi mà đưa ra cách lí giải phù hợp, từ đó định hướng giáo dục kĩ năng, phẩm chất cho các em.
Giúp học sinh sáng tạo cá nhân
Theo cô Hiền, Bộ sách Ngữ văn lớp 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) có 2 tập gồm 10 bài. Từ bài 1 đến bài 9 theo một chủ đề, bài 10 theo dự án đọc sách. Từ bài 1 đến bài 9 học sinh được đọc văn bản, nói, nghe và viết và được giáo dục đầy đủ phẩm chất, năng lực liên quan đến chủ đề đã học như: Biết quý trọng tình bạn, quý trọng tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình.
Chẳng hạn như bài 1: Tôi và các bạn hướng tới chủ đề Tình bạn. Thể loại chính là Truyện. Học sinh được đọc hiểu các văn bản về tình bạn, qua đó mà giáo dục tình yêu đối với bạn bè, cách để xây dựng và gìn giữ một tình bạn đẹp. Học sinh cũng sẽ có kĩ năng đọc truyện, viết và nghe nói văn bản tự sự.
Hay như Bài 3: Yêu thương và chia sẻ, văn bản 3: “Con chào mào” của nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây là một bài thơ được viết theo thể tự do nói về tình yêu thiên nhiên. Bài này nằm trong chủ đề yêu thương chia sẻ, 2 văn bản trước nói về tình yêu thương giữa con người với con người.
Tới văn bản 3 này chủ đề yêu thương chia sẻ được mở rộng: Không chỉ yêu thương chia sẻ với con người mà với cả thiên nhiên. Cô Hiền đã bắt đầu từ vấn đề thực tế đó. Hỏi học sinh chia sẻ tình yêu của em với một loài vật, một loài cây. Từ đó dẫn dắt các em vào bài học. Dẫn dắt trò tìm hiểu tình yêu thiên nhiên của nhân vật trữ tình. Đánh giá, nhận xét thái độ cách ứng xử của nhân vật trữ tình trong bài đã phù hợp chưa, vì sao.
Từ đó giúp học sinh rút ra bài học cuộc sống. Yêu thiên nhiên em cần có cách ứng xử với thiên nhiên thế nào mới là phù hợp, đúng đắn. Cuối cùng giúp học trò hiểu được sự yêu thương chia sẻ làm cho cuộc sống thêm đẹp. Đôi khi chỉ đơn giản là tình yêu với một bông hoa, một con vật... Qua đó giáo dục học sinh phẩm chất này.
“Theo tôi việc học đọc chép không phải cách dạy hiệu quả. Nhưng trong học văn, học sinh cũng cần có một mẫu ban đầu của một dạng bài cụ thể. Từ bài văn mẫu đó giáo viên giúp các em phân tích, tìm hiểu để rút ra những chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của dạng bài. Tuy nhiên, sau đó từ bài mẫu thầy cô gợi mở hướng dẫn trò cách phát triển bài viết đưa được những sáng tạo cá nhân”, cô Hiền nêu quan điểm.
Cô Hiền cho biết thêm, cách đánh giá học sinh hiện nay với môn Văn và các môn nói chung có điểm mới là ngoài đánh giá bằng điểm số còn bằng nhận xét. Học sinh tự đánh giá, các em đánh giá lẫn nhau và giáo viên đánh giá. Điều này giúp các em phát huy tinh thần tự giác học tập, khách quan, trung thực và cũng giúp mọi vấn đề trong học tập được xem xét dưới nhiều góc nhìn, học sinh có cái nhìn phong phú và sâu sắc hơn.