Phá đường dây trồng, mua bán cần sa liên tỉnh quy mô lớn

GD&TĐ - Đắk Lắk vừa triệt phá thành công đường dây trồng, tàng trữ, mua bán cần sa liên tỉnh, thu giữ hơn 31kg cần sa khô, hơn 1.000 hạt giống cần sa.

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện xe chở cần sa.
Cảnh sát giao thông Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện xe chở cần sa.

Chiều 22/12, thông tin từ Công an huyện Krông Búk cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng trong đường dây trồng, tàng trữ, mua bán cần sa liên tỉnh với quy mô lớn. 4 đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Mạnh (SN 1985), Nguyễn Thành Nhân (SN 1985), Chu Văn Thiêm (SN 1987) cùng trú tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và Phùng Văn Kiên (SN 1980), trú ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Trước đó, vào khoảng 21h ngày 11/12, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Cư Né, huyện Krông Búk, tổ công tác thuộc trạm CSGT Krông Búk - phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 48A-137.05 do Nhân điều khiển lưu thông hướng từ huyện Ea Hleo về tỉnh Đắk Nông. Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra, trên xe lúc này có chở theo Mạnh.

Các đối tượng tại cơ quan công an.

Các đối tượng tại cơ quan công an.

Qua kiểm tra, phát hiện trong xe có 3 bao xác rắn bên trong có chứa 22kg cần sa và 1 túi đeo màu đen bên trong chứa 300 hạt giống cây cần sa.

Nhận định đây là vụ việc phạm tội về ma túy có dấu hiệu hoạt động theo đường dây liên tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Krông Búk đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng và phối hợp với CSĐT tội phạm về ma túy công an tỉnh Đắk Lắk triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra mở rộng làm rõ các đối tượng trong đường dây.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà đối tượng Mạnh tại thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông phát hiện, thu giữ thêm 720 hạt giống cây cần sa. Khám xét rẫy của Phùng Văn Kiên tại thôn Đồng Tâm, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai phát hiện các lá cây cây cần sa. Kiểm tra xe khách mang biển kiểm soát 81B-014.69 của nhà xe Kính Diên Hồng cơ quan Công an đã thu giữ thêm 9,4kg hoa cây cần sa đựng trong 2 thùng xốp. Tổng số cần sa khô thu giữ là hơn 31kg và hơn 1.000 hạt giống cây cần sa.

Số lượng cần sa khô do lược lượng công an thu giữ tại nhà một đối tượng.

Số lượng cần sa khô do lược lượng công an thu giữ tại nhà một đối tượng.

Qua điều tra, bước đầu xác định được Mạnh là đối tượng chủ chốt đã thiết lập một đường dây trồng, mua bán cần sa liên tỉnh. Thông qua mạng xã hội Facebook, Mạnh tìm mua hạt giống cây cần sa, giao cho người khác trồng, sau đó thu mua lại hoa cây cần sa và bán cho các đối tượng ở các tỉnh thành khác để thu lợi.

Mạnh liên hệ và giao cho Thiêm tìm người có nhu cầu trồng, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch sau đó mua lại hoa cần sa bán để hưởng chênh lệch. Hoa cần sa khô sẽ được Mạnh thu mua với giá tiền từ 13 – 16 triệu đồng/1 kg. Sau đó, móc nối bán lại cho các đối tượng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác với giá từ 20 – 25 triệu đồng/1kg.

Vận dụng các mối quan hệ xã hội, Thiêm đã trao đổi với Kiên về việc sẽ cung cấp hạt giống, bao tiêu sản phẩm và được Kiên đồng ý.

Khoảng tháng 8/2022, Thiêm giao hạt giống cần sa cho Kiên trồng trên 0,9ha đất rẫy tại tỉnh Gia Lai. Đầu tháng 12/2022, Thiêm liên lạc với Mạnh báo đến tỉnh Gia Lai để lấy hoa cần sa.

Sáng 11/12/2022, Mạnh thuê Nguyễn Thành Nhân điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 48A-137.05 từ tỉnh Đắk Nông di chuyển đến huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai để lấy hoa cần sa. Sau khi nhận hoa cần sa thành phẩm, các đối tượng đã đóng trong bao xác rắn, thùng xốp gửi xe khách xuống thành phố Hồ Chí Minh và trực tiếp chở về tỉnh Đắk Nông để tiêu thụ thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Krông Búk tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...