Cảnh báo loại bánh ngọt 'Lazy Cakes' chứa cần sa

GD&TĐ - Vừa qua, cơ quan chức năng đã cảnh báo về biến tướng mới của ma túy dưới dạng bánh ngọt có tên là bánh lười hay tên gọi khác là “Lazy Cakes”.

Bánh lười - Biến tướng trá hình của cần sa. Ảnh: TTYT Quận Gò Vấp.
Bánh lười - Biến tướng trá hình của cần sa. Ảnh: TTYT Quận Gò Vấp.

Những chiếc bánh ngọt tưởng chừng vô hại

Vừa qua, Công an TPHCM và Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát đi thông tin cảnh báo về 1 biến tướng mới của ma túy dưới dạng bánh ngọt có tên là bánh lười hay còn có tên gọi là “Lazy Cakes”.

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh Viện Tâm thần TPHCM, loại bánh này là một dạng bào chế mới của cần sa để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn.

Trước đó, BS Huỳnh Thanh Hiển từng cảnh báo một biến tướng của ma túy dưới dạng bột nước trái cây. Ma túy lắc dưới dạng bột hương trái cây sẽ hòa tan trong nước để uống. Trong khi đó, biến tướng của dạng bánh ngọt sẽ hóa giải mùi khét đặc trưng của cần sa.

Cần sa thường được biết dưới dạng lá cây phơi khô và sử dụng bằng cách quấn hút như thuốc rê. Cần sa có mùi khét rất đặc trưng và dễ nhận biết nên việc sử dụng rất dễ bị phát hiện.

Việc chiết xuất các chất cannabinols hoặc chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong lá cần sa thành dung dịch và sau đó trộn với nguyên liệu làm bánh ngọt. Loại này thông thường được trộn thêm hương dâu, hương sô cô la… Điều này sẽ hóa giải được mùi khét đặc trưng khi sử dụng cần sa bằng cách quấn hút nên dễ qua mặt cơ quan chức năng, cũng như sẽ làm cho các phụ huynh mất cảnh giác.

Phụ huynh nghĩ rằng đó là những chiếc bánh vô hại mà không ngờ là những chiếc bánh độc hại chứa ma túy. Nói chung, đây không phải là loại ma túy mới, chỉ là dạng bào chế mới để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn.

Giống như hầu hết các loại ma túy, giá ‘bánh lười” cũng không hề rẻ, theo thông tin nhận được thì những chiếc bánh nhỏ, giống như những chiếc bánh cookies thông thường, có giá 200.000đ đến 300.000đ và hiện đang có xu hướng lan truyền trong giới học sinh, sinh viên.

Những chiếc bánh lười này cũng không hề mới, nó đã xuất hiện lẻ tẻ từ vài năm trước qua con đường của các du học sinh về thăm nhà, nhưng lúc đó các du học sinh mang về để dùng hay vui chơi với bạn bè chứ không mang tính thương mại. Thời gian gần đây, nhận thấy thị trường bắt đầu có “tiềm năng” nên thế giới ngầm nhảy vào kinh doanh mặt hàng béo bở này.

Theo BS Hiển, do loại bánh này không hề rẻ nên biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là các phụ huynh đừng cho con em mình quá nhiều tiền và các trường học cần tăng cường phổ biến giáo dục về tác hại của ma túy, để giới trẻ không bị vướng vào ma túy với phương châm “Ma túy, không thử dù chỉ một lần”.

Cần sa tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

Chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong lá cần sa có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương tạo nên cảm giác sảng khoái, hưng phấn nhưng nhẹ hơn so với ma túy lắc hay đá, sau đó chuyển sang trạng thái ức chế, tạo ra cảm giác thư giãn và an thần - gây ngủ nhẹ.

Tuy cần sa có mức độ gây lệ thuộc thấp hơn heroin hay ma túy lắc/đá nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ gây những tổn hại trên hệ thần kinh trung ương, có thể gây kém tập trung và suy giảm nhận thức.

Đặc biệt, các thống kê cho thấy hầu hết những người sử dụng cần sa sau một thời gian, sẽ nâng cấp lên các loại ma túy khác “nặng đô” hơn như heroin, lắc đá, ketamine… Do đó, theo bác sĩ, có thể nói cần sa là sự khởi đầu của mọi tình trạng nghiện ngập.

Một số nghiên cứu và thống kê cho thấy tỷ lệ người bị bệnh tâm thần phân liệt tăng cao một cách bất thường trên quần thể những người có sử dụng cần sa. Đó là lý do mà hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm sử dụng cần sa dù cần sa được xem là ít gây tác hại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.