Nhiều chuyển biến tích cực
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Năm 2019, ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn thách thức nhưng trên hết là sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành để hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giáo phó. Một trong những kết quả nổi bật nhất là, chúng ta đã có được những bộ sách giáo khoa lớp 1, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận và hoan nghênh đối với ngành Giáo dục.
Cùng với đó, thông qua các kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc tế, các đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, vị thế của giáo dục nước nhà ngày càng được khẳng định trên thế giới. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam từng được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Hay như việc, nhiều trường đại học của Việt Nam được xếp hạng uy tín trên thế giới cũng là thành tích rất đáng tự hào, đơn cử như: Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng tốp 1.000 đại học thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín THE. Cùng với đó là HS Việt Nam đã có một mùa “bội thu” Huy chương Vàng tại kỳ thi HS giỏi quốc tế.
Năm 2019, cũng là năm ngành Giáo dục có nhiều chuyển động và chuyển biến tích cực. Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, Bộ GD&ĐT chủ động vào cuộc, kiên quyết xử lý một số sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Điều đó cũng góp phần tạo nên Kỳ thi THPT quốc gia 2019 an toàn, nghiêm túc và thành công trên nhiều phương diện. Nhìn lại một năm đã qua, có thể thấy Giáo dục vẫn luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của xã hội. Điều đó đòi hỏi, ngành Giáo dục cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, năm 2019 ngành Giáo dục đón nhận hai dự án Luật: Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo tiền đề để thúc đẩy giáo dục phát triển; trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học với việc “cởi trói” những “nút thắt” trong cơ chế tự chủ.
PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích, đối với Luật Giáo dục 2019 đã thể hiện rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Luật cũng cập nhật tinh thần các nghị quyết Trung ương gần đây, trong đó đặc biệt là Nghị quyết 18, 19 của Trung ương 6 có liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, trong đó có giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019) đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” để giáo dục đại học phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến chính sách về tự chủ đại học. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng của Luật này. Luật có hiệu lực là cơ hội và động lực để giáo dục đại học bứt phá, tiếp tục đổi mới và phát triển; quan trọng hơn là sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao cho thị trường lao động.
Điều mà dư luận quan tâm lúc này là, làm sao để các chính sách đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả trong thực tiễn; trước mắt các trường cần nhanh chóng thành lập Hội đồng trường và trao thực quyền cho Hội đồng trường. Tất nhiên chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khó đâu, gỡ đấy và không để trường đại học nào bị “bỏ rơi”.
Kỳ vọng vào năm mới “bội thu”
Bước sang năm 2020, PGS Trần Xuân Nhĩ mong muốn, giáo dục tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Ai cũng biết, kết quả của giáo dục không thể nóng vội mà cần có thời gian và lộ trình. “Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng rằng, với những gì mà ngành Giáo dục đã và đang làm, với sự chuyển động đúng hướng cùng những thành tích đã đạt trong năm 2019 sẽ tạo động lực để năm 2020 ngành Giáo dục có được nhiều thành công hơn nữa” - PGS Trần Xuân Nhĩ tin tưởng, đồng thời ông đề xuất: Cần chăm lo hơn nữa cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác và có thể sống được bằng lương của mình. Nhất là tới đây, chúng ta thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới thì vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ nhà giáo càng nặng nề hơn và càng được quan tâm đúng mức.
Về giáo dục đại học, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kỳ vọng trong năm mới 2020 sẽ có nhiều trường được xếp hạng quốc tế. Muốn vậy, các trường cần tham gia kiểm định trong nước và quốc tế. Quá trình kiểm định phải được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Cùng với đó, chúng ta cũng nên có cơ chế xếp hạng các trường đại học trong nước một cách khách quan. “Tôi cũng đồng tình với ý kiến rằng, các trường đại học cần đóng góp vào quỹ kiểm định chung. Quỹ kiểm định này sẽ trả tiền cho các trung tâm kiểm định để tiến hành kiểm định chất lượng các trường đại học trong nước một cách công tâm, minh bạch” - PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.