PGS.TS Trần Đình Thiên: Vấn đề mấu chốt của nền kinh tế là cần được ‘thông mạch’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề mấu chốt của kinh tế là cần được "thông mạch, thông các nguồn lực" tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19/9.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19/9.

Nền kinh tế cần được "thông mạch"

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, sau 3 năm đại dịch Covid-19 và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển tích cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”.

PGS.TS Trần Đình Thiên.

PGS.TS Trần Đình Thiên.

Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Nền kinh tế “khát vốn” nhưng khó hấp thụ vốn. Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, khiến không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”.

Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường là tính cạnh tranh. Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Thách thức lớn

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tăng trưởng GDP nửa đầu năm của cả nước chỉ đạt 3,72%. Đây là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ 2 trong vòng 1 thập kỷ. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn. Trong 8 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…

Sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế nhanh chóng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đậu Anh Tuấn đề cập một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam, gồm các vấn đề như: Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi.

Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện.

Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ