Pakistan xoay xở trong đại dịch

GD&TĐ - Các trường học của Pakistan bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của khoảng 40 triệu học sinh trên khắp Pakistan. Ảnh: Edufinance
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của khoảng 40 triệu học sinh trên khắp Pakistan. Ảnh: Edufinance

Việc học sinh và sinh viên không thể đến trường khiến các chuyên gia suy đoán rằng sự thiếu hụt giáo dục có thể gây ra những tác động trong nhiều năm tới.

Từ cuối tháng 9/2021, Pakistan đã mở cả trường công lập và trường tư thục ở một số khu vực như Punjab và Khyber Pakhtunkhwa, trong đó, tỉnh Sindh mở cửa trường vào tháng 8.

Các trường học đang hoạt động với chính sách 50% đi học vào các ngày xen kẽ theo quy định đảm bảo an toàn do Trung tâm Chỉ huy và Điều hành Quốc gia (NCOC) đưa ra. Tất cả nhân viên và học sinh trên 15 tuổi cũng bắt buộc phải tiêm phòng.

Các trường học ở Pakistan đã bị đóng cửa khoảng 7 tháng trong đợt Covid đầu tiên. Tuy nhiên, họ đã mở cửa trở lại vào tháng 9/2020 và tiếp tục đóng cửa vào tháng 11.

Chính phủ Pakistan đã thông báo mở cửa theo từng giai đoạn khác của các cơ sở giáo dục từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại này cũng diễn ra trong thời gian ngắn, vì các trường học lại đóng cửa vào tháng 4/2021 do đợt bùng dịch thứ ba.

Hàng triệu học sinh bị ảnh hưởng

Ở một đất nước vốn đã bị đe dọa bởi sự khác biệt rõ rệt về chất lượng giáo dục giữa các trường công lập và tư thục, cũng như tỷ lệ người biết chữ thấp, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của khoảng 40 triệu học sinh trên khắp Pakistan.

Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố rằng “ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng cho thấy tất cả trẻ em nhập học đều bị mất khả năng học tập”.

Theo một nghiên cứu của UNICEF, học sinh học ở nhà ít hơn đáng kể so với học trên lớp trước đại dịch. Việc học tập của họ bị tổn hại do thiếu khả năng tiếp cận công nghệ, các vấn đề  về kết nối mạng và mức độ động lực thấp.

Alia Malik, một bà mẹ ba con, chia sẻ với DW (Deutsche Welle – một kênh truyền hình của Đức): “Giữ cho bọn trẻ hứng thú và có động lực trong các lớp học trực tuyến là thách thức lớn nhất, vì bọn trẻ không có hứng thú với hình thức mới này.

Trong khi đó, thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của chúng không ngừng tăng lên. Chưa kể, việc sắp xếp nơi ở và đồ dùng riêng cho tất cả trẻ em trong nhà là một thách thức lớn hơn”.

Khi nói chuyện với DW về sự khác nhau giữa học trực tuyến và học trực tiếp, Shahram Ahmad, một sinh viên đại học tư thục, cho biết: “Nó giống như sự khác biệt giữa cuộc gọi và gặp gỡ trực tiếp ai đó”.

Muhammad Qadeer, một giáo viên trung học cho rằng, vì học sinh đang trải qua giai đoạn phát triển quan trọng về tinh thần nên việc không có người hướng dẫn thường xuyên và các hoạt động ngoại khóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em. Ông nói: “Thế hệ này sẽ luôn được ghi nhớ là thế hệ Covid”.

Số học sinh bỏ học cao nhất

Dạy học thời Covid là một thử thách lớn đối với các nhà giáo dục Pakistan. Ảnh: Dawn
Dạy học thời Covid là một thử thách lớn đối với các nhà giáo dục Pakistan. Ảnh: Dawn

Theo báo cáo của UNICEF, 23% trẻ nhỏ tại Pakistan không thể học từ xa do thiếu khả năng tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật số. Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, vì họ không thể mua dù chỉ một thiết bị.

Các rào cản địa lý cũng có tác động không nhỏ. Khoảng 26% thanh niên thành thị không được tiếp cận với công nghệ trong khi ở nông thôn, con số này tăng lên 36%. Học tập từ xa cũng là một thách thức đối với trẻ em khuyết tật và trẻ em gái.

Wyena Qureshi, một trường đại học tư, cho biết: “Tôi học thực sự rất tốt trong các lớp học trực tiếp nhưng trong thời gian lockdown, tôi có một số công việc trong gia đình không thể bỏ qua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích của tôi ở trường đại học và điểm trung bình của tôi đã chạm đáy”.

Có thể nói, nền kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Học sinh cũng phải bỏ học do thiệt hại tài chính trong đại dịch. Trở lại năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự đoán 930.000 trẻ em sẽ bỏ học ở bậc tiểu học và trung học. Cụ thể, tổ chức này nhận định: “Pakistan là quốc gia trên toàn cầu mà chúng tôi dự đoán có số học sinh bỏ học cao nhất do cuộc khủng hoảng Covid”.

Những thử thách trước mắt

Murad Raas, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của bang Punjab, đã đăng một thông báo trên mạng xã hội Twitter: “Năm học 2021 - 2022 đã được kéo dài đến tháng 6/2022. Kỳ thi cuối kỳ sẽ được tiến hành vào tháng 6/2022”. Các quan chức nước này cũng đã giới thiệu hình thức học kỹ thuật số để bù đắp cho việc đóng cửa lặp đi lặp lại. Gần đây, Bộ trưởng Murad Raas cũng quyết định bù đắp cho một số học sinh đã thi trượt bằng cách thưởng cho họ 33% điểm ưu đãi. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn nhiều nghi ngờ.

“Đó là một trải nghiệm đầy thử thách đối với tất cả chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng đã học cách hoạt động và giữ kết nối từ xa. Các kỹ thuật học tập mới đã được điều chỉnh và dần dần trở nên quen thuộc với trẻ em”, Yasmeen Hameed, một nhà giáo dục tại Pakistan, nói với DW.

Chương trình dạy học từ xa của Pakistan dành cho học sinh ở Punjab ban đầu có số lượng người xem cao do sự hỗ trợ của các bên liên quan và triển khai theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường IPSOS nhận thấy rằng, việc sử dụng đã giảm sau 6 tháng.

Zulfiqar Samin, Phó thư ký chính sách của Bộ Giáo dục Liên bang, nói với DW rằng, Bộ đã cố gắng vượt qua những thách thức với giáo dục thông qua các chương trình kỹ thuật số. “Chúng tôi đã cố gắng tiếp cận tất cả các kênh phát thanh và truyền hình. Phụ huynh cũng đã hợp tác rất tốt với chúng tôi”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các nước phát triển như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức cũng bị ảnh hưởng tương tự. Ông nói thêm rằng, trong khi Chính phủ Pakistan đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho đến khi phần lớn người dân được tiêm chủng, nhiều người vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Đây là một thử thách vô cùng khó khăn đối với ngành giáo dục của đất nước này.

Theo dw.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ