Tôi có thói quen đọc sách rất đáng trách đó là bỏ qua lời giới thiệu của tất cả các nhà nghiên cứu phê bình hay các nhà văn, nhà thơ khi thẩm định cuốn sách.
Ngó qua chân dung của tác giả, tôi hờ hững đọc. Quả thật là như thế. Tâm thế đọc sách in là phải đủ yếu tố. Giữa trời nóng, giữa loa phường đang ra rả kêu gọi giãn cách xã hôi. Giữa lúc nhân viên y tế với bảo hộ màu xanh đo thân nhiệt các hộ gia đình kế bên thì đây là hoàn cảnh hi hữu tôi đọc sách.
Cù Thu Hương xuất hiện với lối viết dịu dàng, chân thành, thiết tha, giàu nữ tính khi tác giả đặt mục tiêu của trang viết như sự kính cáo với cha mẹ, gia đình một “trải nghiệm bắt buộc” và làm “diễn viên bất đắc dĩ” khi cô phải nhập vai.
Cô là diễn viên mà không diễn, chỉ như người chép lại sự kiện gần giống như ghi nhật ký có lồng đan những suy tưởng về quê hương, quốc gia, dân tộc, hồn hậu và trong vắt. Trong vắt vì nó hồn nhiên, hồn hậu. Cảm giác bị “dính mắt” vào trang viết của Cù Thu Hương là thế.
Sau khi đọc hết “phần” của tác giả đã trải ra từ trang 21 đến 274, tôi quay lại đọc các cảm nhận, thẩm định của một số tác giả như Nhà văn Y Ban, GS Bùi Mạnh Nghị, Nhà biên kịch Trần Thị Thu Hương, dịch giả TrầnThị Kim Chi và cuối cùng là “Lời khép sách” của TS Lương Hoài Nam.
Lại là một bất ngờ nữa trong tôi: Những lời giới thiệu làm tôi tâm phục, khẩu phục. Quyển sách là con chim quý nên phải ở lầu son, là hợp lẽ vì nội dung cuốn sách là bài ca về tình người tỏa sáng trong hoạn nạn,
Có thể bỏ qua những khiếm khuyết về văn chương, bỏ qua văn để nhận về những rung động, những xúc cảm tình người.
Những lời nhận xét, thẩm định đã nói quá đầy đủ, nhiều góc cạnh mà Cù Thu Hương đã trải ra suốt gần 300 trang viết mà tác giả đã khóc, cười, ngợi ca hay trách cứ nhẹ nhàng những hiện tượng chưa đẹp, những ứng xử đáng chê trong khu cách ly mà 14 ngày cô đã trải.
Cái tên cuốn sách “Pa ri + 14” ra đời trong bối cảnh ấy. Nó chỉ gói gọn trong 2 tháng vừa viết vừa tham khảo ý kiến bạn viết mà cô coi như bằng hữu rồi rụt rè tới NXB theo lời động viên của các bậc đàn anh đàn chị có thâm niên chữ nghĩa.
Hai tháng là 60 ngày trong đó có 14 ngày nằm khu cách ly. Với người bình thường có thể phát điên lên lấy đâu còn quan sát, suy tưởng bởi bao bất trắc bủa vây, bao dự định cơm áo phải gác lại. Sống được đã khó chứ năng lượng dành cho chữ nghĩa đâu còn thời gian mà để tâm. Thế mà Cù Thu Hương đã vượt lên tất cả, dồn nghị lực lên mỗi trang văn. Riêng điều ấy, đã làm cho mỗi chúng ta cảm phục.
Tác phẩm từ dòng đầu đến dòng cuối, tuần tự dẫn chúng ta về những sự kiện, những cảm xúc mãnh liệt từ khi đại dịch chớm nhen lên và bùng phát ở Vũ Hán, khi ở Paris - nơi cô đang ở mới chỉ là khái niệm xa vời, phong thanh không đáng để tâm. Chính vì vậy dịch mới bùng phát, đất nước họ lâm vào cảnh “vỡ trận” như một que diêm đốt cháy cả khu rừng.
Hương nói với mẹ cái tâm trạng thực của mình là: “Bàng hoàng, hoảng sợ, ngơ ngác, lo lắng, nhớ thương, biết ơn, tự hào, bình tâm, hạnh phúc”. Và cũng từ những điểm nhấn này, Hương đã viết nên một tác phẩm của cô, phát hành với lượng in 2000 quyển do NXB Hội Nhà văn cấp phép, được biên tập Đào Bá Đoàn thủ vai bếp núc.
Tôi xin ngả mũ kính phục những thẩm định, phẩm bình của của các tác giả đã đề cập vì họ rất có trách nhiệm với từng con chữ của mình. Họ phải là những người dụng công đọc, dụng công tìm tòi để đưa ra những những nhận định, vừa kiệm lời, vừa chính xác. Tôi thấy mình không nên (và không được) nói gì nhiều theo lối tầm chương trích cú”.
Có thể bạn hỏi tôi: Anh tâm đắc nhất đoạn nào trong tác phẩm “Pa ri +14”. Tôi sẵn sàng trả lời: Tâm đắc nhất, ấn tượng nhất bắt đầu từ chương “Đất Mẹ” - khi Hương về Việt Nam chạy trốn cơn đại dịch mà nước Pháp và một số nước Châu Âu chuẩn bị hứng chịu.
Hương bỏ lại sau mình ngôi nhà thân thương với khu vườn sực nức mùi hoa và cậu con trai yêu quý đang ở lại học tập. Cảm động và lo lắng cảnh từ sân bay trở về khu cách ly của quân đội. Cảnh giường tầng cơm xuất như thời sinh viên khi cơ thể chưa quen với giường không nệm, sau 40 năm thời sinh viên trên đất nước còn đang nghèo khó.
Dưới mái nhà chung cho cô và các người ngoại quốc cũng như những công dân VN nhập cảnh về đây cách ly 14 ngày thật sự là một tổ ấm. Tuy rằng nơi ấy còn có những người được được Tổ quốc cưu mang mà vô tâm nghĩ rằng: Mình có quyền được hưởng như thế nên gây nên những bất cập về sinh hoạt và những phát ngôn đáng trách.
Vượt lên tất cả là sự yêu thương và tinh thần trách nhiệm của các cán bộ và chiến sỹ quân đội phục vụ cách ly. Họ là hình ảnh thu nhỏ của một đất nước, của một quân đội có kỷ cương và đầy lòng nhân hậu. Cái nhân hậu tự thân, không bị ai ép uổng. Bài ca đẹp về tình người trong hoạn nạn cứ hồn nhiên cất lên để nắm tay nhau cùng vượt qua khốn khó.
Tôi đã được khóc cười, được hân hoan hay đau khổ và cảm thông qua những trang viết chân thành và dung dị mà Hương đã trải trên từng chương từng đoạn. Cảm động đến dâng trào cảnh chia tay giữa những bệnh nhân với các chiến sỹ làm công việc phục vụ cách ly.
Tục ngữ có câu “đêm nằm năm ở” hay “Chuyến đò nên nghĩa/Một ngày nên quen”. Chỉ có người Việt Nam mới hiểu thấu đáo điều này để làm nên “gừng cay, muối mặn”, càng gắn kết hơn lúc loạn ly, giặc dã.
TP Phủ Lý tháng 5/2021