Trong ngôi chùa Phật giáo ở hòn đảo xanh tươi đối diện với thành phố Hiroshima, một nhà sư trong chiếc áo cà sa màu vàng thổi vỏ ốc và bắt đầu cất lên những lời cầu nguyện khi hàng nghìn hạc giấy Origami được đốt cháy. Nghi thức này đã trở thành biểu tượng của hòa bình và giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Biểu tượng giải trừ vũ khí hạt nhân
Một giá đỡ nến bằng gốm được tráng men bằng tro từ những con hạc giấy trong xưởng Taigendo. Ảnh: AFP - Richard A.Brooks |
Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã được Thủ tướng Kishida mời đến thăm những nơi tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử và các tượng đài vì hòa bình. Đây là một trong những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản nhằm thúc đẩy cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của ông Kishida có rất ít cơ hội để đạt được tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực này.
Điều đó cũng không ngăn cản được nhà hoạt động vì hòa bình Kinya Saito nuôi hy vọng: “Tôi muốn các nhà lãnh đạo (G7) hiểu những gì đã xảy ra ở Hiroshima” và “hãy lắng nghe những gì người dân nói”.
Trong suốt một thập kỷ, ngôi chùa Daisho-in trên đảo Miyajima đều đặn tiến hành nghi thức với hàng nghìn hạc giấy Origami được gửi tới thành phố Hiroshima (miền Tây Nhật Bản).
Nghi thức đốt hạc giấy này mang theo ước nguyện và tình cảm của người đã tạo ra những đồ vật nhỏ bé tinh xảo. Bởi thế, hạc giấy đã trở thành biểu tượng hòa bình quốc tế.
Kể từ năm 2015, tro của những Origami này đã được sử dụng để tráng men các đồ vật bằng gốm sứ. Câu chuyện về cô bé Sadako Sasaki 12 tuổi, qua đời vào năm 1955 vì bệnh bạch cầu do tiếp xúc với bức xạ từ quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima mười năm trước trong chiến tranh thế giới thứ 2, đã trở nên nổi tiếng.
Cô bé ấy đã tự tay gấp hàng trăm hạc giấy Origami trong thời gian bị bệnh với hy vọng sức khỏe sẽ nhanh chóng hồi phục. Bởi vì, theo một truyền thuyết cổ xưa của Nhật Bản, người nào gấp được một nghìn hạc giấy Origami thì điều ước của họ sẽ thành hiện thực. Nhưng khi công việc vẫn còn dang dở, cô bé đã không qua khỏi.
Câu chuyện đau lòng của Sadako Sasaki đã làm người dân Nhật Bản và toàn thế giới xúc động, thương cảm. Kể từ đó, Sasaki và những con hạc giấy của cô trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trong thời gian dài, vô số hạc giấy từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng cho thành phố Hiroshima chỉ đơn giản là được đặt trước các tượng đài và sau đó, thường bị các công nhân vệ sinh của thành phố vứt đi.
Xưởng gốm sứ tái sử dụng tro Origami
Hàng ngàn con hạc giấy Origami được đốt. Ảnh: AFP - Richard A.Brooks |
Chỉ đến năm 2012, Kinya Saito, một thành viên của Dự án Nagomi vì hòa bình của Nhật Bản, đã đề xuất thực hiện nghi thức đốt hạc giấy, để mang những tình cảm mà người dân toàn thế giới gửi gắm “đến các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử”, ông chia sẻ với AFP.
Yoyu Mimatsu, nhà sư 57 tuổi phụ trách thực hiện nghi thức tại chùa Daisho-in, nhằm mang lời cầu nguyện vì hòa bình thế giới chứa đựng trong những con hạc nhỏ này “bay tới thiên đường”.
Nhưng phải làm gì với đống tro của những Origami thiêng liêng như vậy? Ngôi đền đã tìm ra giải pháp với Taigendo, một xưởng sản xuất đồ gốm nhỏ ở Hiroshima.
Xưởng này sản xuất các sản phẩm gốm sứ từ cát thiêng của ngôi đền Thần đạo ở Miyajima trong hơn một thế kỷ và ông chủ của nó, Kosai Yamane, sử dụng tro từ “ngọn lửa vĩnh cửu” ở ngọn núi trên đảo để tráng men đồ gốm của mình.
Ý tưởng làm điều tương tự với tro hạc giấy của ngôi chùa Daisho-in đã lôi cuốn Yamane. Ông cũng là con trai của một người sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima.
“Mẹ tôi có những vết sẹo bỏng ở khuỷu tay và khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ thấy bà ấy mặc bất cứ thứ gì khác ngoài quần áo dài tay”, người thợ thủ công ấy nói. “Bà ấy không bao giờ kể về chúng. Tôi cảm thấy rằng bà ấy làm mọi thứ để không bị chú ý và tránh nói về chúng”.
Ông Yamane đã sử dụng số tro này để tráng men các lư hương và đĩa nến theo hình mái vòm của Đài tưởng niệm Hòa bình cho trẻ em ở Hiroshima.