Oreshnik chỉ cần 11 phút để tiếp cận căn cứ Aegis Ashore của Mỹ

GD&TĐ - Với tốc độ Mach 10 của Oreshnik, không khó hiểu vì sao toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO không thể đánh chặn tên lửa siêu thanh này.

Tên lửa tầm trung của Nga.
Tên lửa tầm trung của Nga.

Không thể đánh chặn

Cựu đại tá quân đội Nga và nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin đã giải thích với Izvestia lý do tại sao hệ thống phòng không hiện đại không thể đánh chặn được Oreshnik.

"Điểm độc đáo của hệ thống tên lửa Oreshnik là, thứ nhất, đây là tên lửa tầm trung - nó có thể bay tới khoảng cách từ 1.000 km đến 5.500 km - và thứ hai, nó là tên lửa siêu thanh, bay với tốc độ Mach 10", Đại tá Viktor Litovkin, cho biết.

Mach 10, hay gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tương đương với 3 km mỗi giây, chuyên gia này lưu ý. Không có một hệ thống phòng không hay phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có khả năng đánh chặn những tên lửa siêu thanh đó, chuyên gia Litovkin nhấn mạnh.

"Phương Tây không có tên lửa bay với tốc độ như vậy hoặc tên lửa siêu thanh", chuyên gia này tiếp tục.

"Mặc dù Mỹ đã nhiều lần khoe khoang rằng họ có những tên lửa như vậy, nhưng họ chưa bao giờ trình diễn một vụ phóng tên lửa như vậy thành công. Họ dường như đã trình diễn những tên lửa bay với tốc độ siêu thanh gấp 5,5 lần tốc độ âm thanh hoặc Mach 5,5. Tuy nhiên, tốc độ siêu thanh bắt đầu ở Mach 6-7", ông Litovkin nói thêm.

Nguyên lý hoạt động của tên lửa này tương tự như nguyên lý được chứng minh bởi tên lửa siêu thanh Kinzhal, được phóng từ máy bay siêu thanh MiG-31K, hoặc phương tiện lướt của hệ thống siêu thanh Avangard được tăng tốc bởi tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UТТKh, chuyên gia giải thích.

Chuyên gia này chỉ ra rằng tên lửa này cũng được trang bị nhiều đầu đạn.

Litovkin cho biết: "Tên lửa sẽ tăng tốc toàn bộ đầu đạn lên tốc độ siêu thanh, trong khi các khối tách biệt bay đến mục tiêu cũng ở tốc độ siêu thanh".

Một số chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa mới của Nga có thể mang theo ít nhất sáu đầu đạn tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV).

Giới chuyên gia cho rằng tên lửa tầm trung Oreshnik chỉ mất một khoảng thời gian cực ngắn để tiếp cận các mục tiêu quan trọng của NATO ở châu Âu.

Theo một số ước tính, tên lửa có thể tiếp cận căn cứ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Redzikowo, Ba Lan trong vòng tám đến 11 phút.

Số đầu đạn bất ngờ

Trong khi chuyên gia Litovkin ước tính mỗi tên lửa Oreshnik có thể mang theo 6 đầu đạn MIRV thì Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) đã gây bất ngờ khi cho rằng tên lửa siêu thanh này sử dụng cơ chế đầu đạn mẹ con, với tổng số lên đến 36.

"Tên lửa được trang bị 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con. Tốc độ ở giai đoạn cuối là trên Mach 11", Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết hôm 22 tháng 11.

Cũng theo GUR, vũ khí này có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa Kedr được Nga thử nghiệm lần đầu vào tháng 6/2021. Theo phó lãnh đạo GUR Vadym Skibitsky, Nga có thể sở hữu ít nhất 10 tên lửa như vậy để thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 21 tháng 11 cho hay Nga đã tấn công hiệp đồng nhằm vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash) tại thành phố miền trung Dnipro bằng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu vượt âm có tên gọi Oreshnik.

Đây là động thái trả đũa việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp cùng tên lửa Storm Shadow từ Anh để tấn công tỉnh Kursk và Bryansk của nước này.

Ông Putin nói Oreshnik là một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga, có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa trên Mach 10.

Ukraine ban đầu tuyên bố Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng giới chức Mỹ và NATO đồng tình với mô tả từ ông chủ Điện Kremlin rằng vũ khí này là tên lửa đạn đạo tầm trung, loại vũ khí có tầm bắn 1.000-3.000 km.

Bộ ngoại giao Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh chóng với cuộc tấn công. Một nguồn tin của NATO cho biết liên minh sẽ họp khẩn với Ukraine tại trụ sở ở Brussels vào tuần tới.

Clip ghi lại khoảnh khắc đầu đạn tên lửa Oreshnik lao xuống thành phố Dnipro rạng sáng 21 tháng 11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ