‘Open house’ - Phụ huynh vào lớp học cùng con

Với mục đích công khai chất lượng đào tạo cũng như tạo sự yên tâm cho phụ huynh, một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện tiết học “open house”.

‘Open house’ - Phụ huynh vào lớp học cùng con

Tiết học môn tập đọc ngày 14-11 của lớp 4/8, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM rất đặc biệt vì có sự tham dự của 10 phụ huynh.

Phụ huynh đến lớp “học cùng con”

Sau màn khởi động bằng một bài hát, cô giáo Trần Thị Bích Ngọc kiểm tra bài cũ. Thay vì chỉ định một học sinh lên trả bài, cô giao toàn quyền cho một em học sinh trong lớp. “Bảo Châu, con hãy mời các nhóm đọc lại bài “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi” - cô Ngọc nói.

Rất nhanh, Bảo Châu lên bảng cầm mic nói dõng dạc: “Mời nhóm bạn Bảo Ngọc đứng dậy đọc lại bài. Các nhóm còn lại lắng nghe phần đọc của bạn để đưa ra lời nhận xét”. “Các bạn thấy nhóm Bảo Ngọc đọc bài thế nào”, nghe Bảo Châu cất lời, các nhóm đều giơ tay phát biểu. Một không khí học tập hăng say.

“Mời nhóm bạn Minh Thi nhận xét”. “Em thấy nhóm Bảo Ngọc đọc một số chỗ còn vấp”. Cứ thế, phần trả bài diễn ra sôi nổi do sự tích cực chủ động của các học sinh mang lại. Phía dưới, phụ huynh thấy các con hào hứng học bài, thi nhau phát biểu cũng nở nụ cười hạnh phúc. “Tôi không ngờ các con lại chủ động như thế” - một phụ huynh thủ thỉ.

Bước sang bài mới, cô Bích Ngọc đưa ra cho các trò ba quả trứng rồi hỏi: “Các con thấy vẽ trứng có khó không?”. Trước câu hỏi của cô, các trò lại giơ tay phát biểu. Có em cho rằng quả trứng tròn nên rất khó để vẽ cho đẹp. Hay làm thế nào để có thể vẽ quả trứng thật tròn. Kết lại cuộc thảo luận, cô Ngọc nói: “Vậy để giải đáp câu hỏi trên, hôm nay cả lớp sẽ học bài vẽ trứng nhé”.

Cô Ngọc đã bắt đầu bài học bằng sự khơi gợi trí tưởng tượng của học trò. Trong giờ học cô chia lớp thành từng nhóm nhỏ, cùng thảo luận bài, cùng đọc bài và phản biện lại ý kiến của các bạn trong lớp.

Hăng say phát biểu, bé Bùi Mai Minh Anh (học sinh lớp 4/8) cho biết “em rất vui khi có ba tham dự giờ học. Như vậy ba có thể thấy trên lớp em học thế nào, hiểu về chương trình học ra sao. Về nhà, ba mẹ có thể cùng em học bài”.

‘Open house’ - Phụ huynh vào lớp học cùng con - ảnh 1

Tiết học tập đọc của lớp 4/8 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (quận 1, TP.HCM) có sự tham dự của các phụ huynh.

“Tôi cảm thấy yên tâm”

Thích thú khi được tham dự tiết học cùng con, chị Đoàn Thị Kim Anh (một phụ huynh của lớp) bày tỏ: “Tôi cảm thấy yên tâm khi con được học trong một môi trường như thế này. Ở nhà tôi luôn băn khoăn không biết con đến trường học như thế nào. Cô dạy ra sao. Con có tiếp thu được không. Phương pháp dạy của cô Ngọc khá hay.

Cô chia các con thành từng nhóm thảo luận và tạo cơ hội để các con nêu quan điểm của mình. Dù đúng hay sai, cô đều khuyến khích các con nói. Chính vì thế, con tôi trở nên mạnh dạn hơn nhiều.Khi tôi được dự giờ học của con, tôi đã hiểu được điều đó. Tôi chỉ mong trường sẽ tổ chức nhiều tiết học mở hơn nữa để phụ huynh có cơ hội hiểu thêm về việc học cũng như công việc của các cô”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trung Nhân (phụ huynh em Nguyễn Minh Thi) cho biết tiết học mở là một ý tưởng hay. Đây là sự tương tác giữa nhà trường, phụ huynh và giáo viên. “Tiết học mở là cơ hội để phụ huynh biết được con chúng ta đang học gì, được dạy như thế nào và cũng là cơ hội để phụ huynh tiếp xúc với cách dạy của cô, hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong việc học cùng con.

Dự giờ tôi mới thấy cô giáo vất vả như thế nào khi một mình quán xuyến lớp học gần 50 em. Hơn nữa, cô còn biết cách khơi gợi tinh thần học hỏi của trò, khuyến khích các bé tự tin bày tỏ ý kiến của mình. Đó là điều quan trọng mà ngày xưa chúng tôi không có được” - anh Nhân chia sẻ.

Theo Plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.