Sửa Luật Giáo dục đảm bảo tính toàn diện và chất lượng

GD&TĐ - Theo đại biểu Dương Đình Thông (đoàn Bắc Giang), Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nghiêm túc tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Qua đó thể hiện tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo trong quá trình sửa Luật nhằm đạt được tính toàn diện và chất lượng.  

Tín dụng dành cho SV khối ngành sư phạm được xây dựng trong dự thảo Luật GD sửa đổi đáp ứng yêu cầu mới trong đào tạo giáo viên
Tín dụng dành cho SV khối ngành sư phạm được xây dựng trong dự thảo Luật GD sửa đổi đáp ứng yêu cầu mới trong đào tạo giáo viên

Tán thành nhiều đề xuất của dự thảo Luật

Nhận xét về một số nội dung cụ thể, đại biểu Dương Đình Thông chia sẻ, ông tán thành với quy định về giáo dục hòa nhập được đề xuất trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, đây là một phương thức giáo dục nhằm đáp ứng được nhu cầu và khả năng của các đối tượng người học khác nhau, bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng, phù hợp với đặc điểm và khả năng của người học, tôn trọng sự đa dạng cũng như sự khác biệt về nhu cầu, đặc điểm của người học và không có sự phân biệt đối xử.

“Như vậy, quy định này có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, không có sự phân biệt hay khác biệt. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn và đảm bảo theo đúng tinh thần của Hiến pháp” - đại biểu Dương Đình Thông nhấn mạnh. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định sao cho cụ thể hơn, nhất là các điều kiện để đảm bảo giáo dục hòa nhập nhằm thực hiện và phát huy quyền, nghĩa vụ của người học.

Cần có những quy định cụ thể về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo để gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cho đội ngũ giáo viên và cũng dự báo được nhu cầu sử dụng nguồn lực sau này. Đồng thời cũng phải có cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội và tìm được việc làm.

 
Đại biểu Dương Đình Thông

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Dương Đình Thông cho rằng, quy định tại Điều 30 của dự thảo rất hợp lý và cần thiết. Quy định này đã luật hóa các quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Tuy nhiên theo đại biểu, để cụ thể hơn, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung các quy định. Chẳng hạn như: Về cơ chế tài chính, để đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa, cần xã hội hóa trong quá trình tổ chức thực hiện giáo dục ở các nhà trường.

Ngoài ra, cần có thêm quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo cung cấp sách giáo khoa, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề rất cấp thiết, nhất là ở những vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Qua đó tránh tình trạng sử dụng sách giáo khoa lãng phí như trong thời gian vừa qua. “Do vậy trong vấn đề này, tôi đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn. Bên cạnh đó, cần quy định thêm những thủ tục, quy trình để thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và đưa các nội dung chương trình vào trong sách để tổ chức giáo dục trong các nhà trường, đảm bảo công bằng, phù hợp với điều kiện hiện nay” - đại biểu Dương Đình Thông góp ý.

Chương trình và SGK mới được xây dựng trên cơ sở phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh
  • Chương trình và SGK mới được xây dựng trên cơ sở phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh

Đảm bảo tính khả thi cho chính sách mới

Liên quan đến đề xuất chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, đại biểu Dương Đình Thông tán thành với đề xuất này. Theo đại biểu, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cần thiết để nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo dục trong giai đoạn mới.

Đại biểu cũng đề nghị, việc thực hiện quy định này cần phải có lộ trình thích hợp, đảm bảo tính thực tế và tính khả thi, nhất là trong điều kiện hiện nay. Đại biểu phân tích, ở những vùng đồng bằng có thể đáp ứng được ngay, nhưng tại những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo thì việc này cần phải có lộ trình cụ thể. Mặt khác, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non cần phải có nguồn lực để đảm bảo tính khả thi.

Góp ý về chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm, đại biểu Dương Đình Thông nhất trí với Báo cáo giải trình của Chính phủ rằng, quy định không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi; số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, trái nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. Nếu thu học phí của sinh viên sư phạm giống như các ngành học khác thì nhà trường sẽ có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành Giáo dục.

Song từ góc độ cá nhân, đại biểu Dương Đình Thông đề xuất, Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể hơn về chế độ hoàn trả để Luật Giáo dục sửa đổi đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học khi được Quốc hội thông qua. Qua đó không chỉ thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm mà còn đảm bảo cho đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.