Ông Zelensky nêu thương vong trong chiến sự, Nga phá hủy 70 mục tiêu quân sự Ukraine

GD&TĐ - Hôm qua (24/2), các lực lượng Nga đã tiến sâu vào Ukraine khi cuộc chiến xảy ra ở ngoại ô Kiev và phương Tây đáp trả Nga bằng một loạt các lệnh trừng phạt.

Các lực lượng Nga đã tiến sâu vào Ukraine.
Các lực lượng Nga đã tiến sâu vào Ukraine.

Tên lửa pháo kích của Nga dội xuống các thành phố Ukraine sau khi Tổng thống Putin mở các cuộc tấn công toàn diện trên bộ và trên không, buộc dân thường phải trú ẩn trên các hệ thống tàu điện ngầm. Khoảng 100.000 đã phải di dời nơi ở.

Trên khắp Ukraine, ít nhất 137 người đã thiệt mạng và 316 người bị thương sau ngày giao tranh đầu tiên, Tổng thống Zelensky cho biết. Ông kêu gọi lính nghĩa vụ và quân dự bị trên toàn quốc tham gia chiến đấu trong một cuộc tổng động viên.

Mỹ chuyển sang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa và ngân hàng Nga. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh các lực lượng Mỹ sẽ không tiến đến Đông Âu để chiến đấu ở Ukraine, mà thay vào đó sẽ bảo vệ “từng tấc đất” lãnh thổ của NATO.

Tổng thống Zelensky cho biết hiện đã có một “bức màn sắt mới” giữa Nga và phần còn lại của thế giới giống như trong Chiến tranh Lạnh.

Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, một khu vực vẫn bị nhiễm chất phóng xạ nặng nề sau vụ tai nạn kinh hoàng năm 1986. Điều này khiến cơ quan giám sát hạt nhân thế giới kêu gọi “kiềm chế”.

Các nhân chứng nói với hãng tin AFP rằng lính dù Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay chiến lược Gostomel ở ngoại ô phía tây bắc Kiev sau khi dùng trực thăng và máy bay phản lực lao vào từ hướng Belarus.

“Các máy bay trực thăng đến và sau đó trận chiến bắt đầu. Họ bắn súng máy, súng phóng lựu” – một người dân tên là Sergiy Storozhuk cho biết.

Một loạt các biện pháp trừng phạt

Tình báo phương Tây cho rằng Nga đang tìm cách tập trung “lực lượng áp đảo” xung quanh thủ đô Ukraine và Moscow đã thiết lập được “ưu thế trên không hoàn toàn” so với Ukraine.

Trong một diễn biến khác, lực lượng mặt đất của Nga đã tiến vào Ukraine từ phía bắc, phía nam và phía đông, buộc nhiều người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa khi tiếng bom dội lại.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã “hoàn thành xuất sắc” các mục tiêu trong ngày. Trước đó họ tuyên bố đã phá hủy hơn 70 mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó có 11 sân bay.

Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chống lại Nga, nhằm cắt giảm hơn một nửa lượng nhập khẩu về công nghệ cao của nước này. Bên cạnh đó là các lệnh trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga mà ông gọi là “tỷ phú tham nhũng” cùng với các ngân hàng.

Trước đó, ông Biden cho biết nhóm các quốc gia giàu có G7 đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế “tàn khốc”.

EU chuyển sang áp đặt các biện pháp trừng phạt “lớn” đối với lĩnh vực năng lượng và tài chính của Nga, trong khi đó Tổng thống Pháp Macron kêu gọi ông Putin đưa ra “yêu cầu dừng ngay lập tức” cuộc tấn công.

Ông Biden một lần nữa cho biết các lực lượng bổ sung của Mỹ không tới Đông Âu để chiến đấu ở Ukraine mà sẽ bảo vệ “từng tấc đất” lãnh thổ NATO.

Cuộc tấn công vào Chernobyl

Nhiều tuần ngoại giao không thể ngăn cản được ông Putin. Ông được cho là đã tập trung hơn 150.000 quân ở biên giới Ukraine – nơi phương Tây cho là sự tập trung quân sự lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Thành phố Chernobyl tuyên bố lệnh giới nghiêm qua đêm nhưng cho biết các ga ngầm sẽ vẫn mở cửa suốt để làm nơi tránh bom.

Ông Zelensky gọi cuộc tấn công vào Chernobyl là “một lời tuyên chiến với toàn châu Âu” trong khi 18 người thiệt mạng tại một căn cứ quân sự gần cảng Odessa của Biển Đen trong cuộc tấn công đẫm máu nhất được Kiev đưa tin.

Ukraine cũng cho biết một máy bay quân sự với 14 người trên khoang đã bị rơi ở phía nam Kiev và các quan chức đang xác định có bao nhiêu người chết. Trong khi đó một máy bay vận tải bị rơi ở Nga khiến phi hành đoàn thiệt mạng.

Các lực lượng Ukraine cho biết họ đã tiêu diệt “khoảng 50 ngời Nga chiếm đóng” trong khi đẩy lùi cuộc tấn công vào một thị trấn ở chiến tuyến với phiến quân do Moscow hậu thuẫn, điều này chưa được hãng tin AFP xác nhận ngay lập tức.

Tại ngôi làng Starognativka của Ukraine gần chiến tuyến, nơi quân ly khai đối đầu với lực lượng của Kiev, quan chức Vladiir Vesyelkin cho biết tên lửa đã dội xuống từ sáng và làm mất điện.

Cuộc giao tranh đã gây kinh hoàng cho thị trường tài chính toàn cầu với việc chứng khoán lao dốc và giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Kristalina Georgieva cho biết tình trạng bất ổn mang lại “rủi ro kinh tế đáng kể” cho thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định ông không tìm cách phá hoại hệ thống kinh tế toàn cầu.

Biểu tình khắp châu Âu

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho rằng cuộc tấn công là để bảo vệ các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền đông Ukraine.

Điện Kremlin trước đó cho biết các nhà lãnh đạo của hai lãnh thổ ly khai đã yêu cầu Moscow trợ giúp quân sự chống lại Kiev sau khi ông Putin công nhận nền độc lập của họ hôm 21/2.

Một cuộc xung đột giữa phe ly khai và lực lượng chính phủ đã kéo dài từ năm 2014, khiến hơn 14.000 người đã của cả 2 bên thiệt mạng.

NATO cho biết họ đã kích hoạt “kế hoạch phòng thủ” cho các nước đồng minh nhưng Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết không có kế hoạch cử lực lượng NATO vào Ukraine.

Từ lâu, Nga đã yêu cầu cấm Ukraine gia nhập NATO và yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Đông Âu.

Tại vùng Baltic, Litva tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và Latvia cấm 3 kênh truyền hình Nga đang phát sóng ở nước này. Hai bên cùng với Cộng hòa Séc cũng ngừng cấp thị thực cho người Nga.

Người biểu tình đã xuống đường ở các thủ đô châu Âu để lên án Nga nhưng một cuộc biểu tình phản chiến nhỏ ở Moscow đã nhanh chóng bị cảnh sát kiềm chế. Những người theo dõi cho biết hơn 1.700 người đã bị giam giữ trên khắp đất nước.

Những người tị nạn Ukraine đầu tiên đã bắt đầu tràn sang Hungary và Romania trong khi Liên hợp quốc cho biết 100.000 đã phải di tản vì giao tranh.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ