Xóa bỏ biên chế giáo viên: Nhiều sinh viên Sư phạm “trải lòng”

GD&TĐ - Chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã khiến nhiều sinh viên Sư phạm quan tâm, ủng hộ và cho rằng đó chính là chủ trương tạo cơ hội công bằng cho chính sinh viên sau khi ra trường.

Xóa bỏ biên chế giáo viên: Nhiều sinh viên Sư phạm “trải lòng”

Cơ hội nhiều hơn!

Nguyễn Thùy Trang

Nguyễn Thùy Trang - Sinh viên K39D ngành Giáo dục Mầm non trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - mới tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non với bằng Xuất Sắc. Sau khi nghe tin về chủ trương thí điểm của Bộ GD&ĐT về việc xóa bỏ công chức, viên chức cho giáo viên, Trang và gia đình rất phấn khởi. Em cho rằng: Chủ trương của Bộ GD&ĐT là việc làm đúng đắn, tạo cơ hội cho sinh viên chúng em sau khi tốt nghiệp. Những người trẻ có năng lực, chuyên môn tốt, thì chắc chắn nhà trường nào cũng muốn tuyển dụng. Như vậy, cơ hội dành cho các bạn trẻ là rất công bằng. Nếu những sinh viên tốt nghiệp xong, ra trường chỉ cần lo vào biên chế là “xong” thì ảnh hưởng đến việc thi đua học tập, nâng cao trình độ chuyên môn trong môi trường Giáo dục.

Xóa bỏ biên chế chính là góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, của nhà trường và của nền giáo dục để ai nấy đều phải học, phải thể hiện được khả năng của mình. Với những sinh viên đang theo học sư phạm, có năng lực khi vừa tốt nghiệp, nếu gặp khó khăn trong tuyển dụng công chức, viên chức, sẽ không còn lo lắng nữa.

Như vậy, bỏ công chức, viên chức giáo viên là việc làm đúng đắn tạo đà cho giáo viên có động lực tự cố gắng, trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn và kĩ năng giảng dạy đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; Đồng thời, giáo viên có quyền, có cơ hội chọn vị trí làm việc phù hợp và hưởng mức lương đúng với năng lực của mình. Đặc biệt, đối với những sinh viên sư phạm mới ra trường như chúng em được đứng trong đội ngũ giáo viên tại các trường học mình mong muốn.

Ghi nhận năng lực thực sự của giáo viên

N.T.A.N, tốt nghiệp Sư phạm Toán với niềm vui khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Niềm vui nhân lên khi A.N biết tin về việc bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên của Bộ GD&ĐT.

A.N cho rằng: Việc bỏ biên chế sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng với người đã đi làm và sinh viên mới ra trường như chúng em. Chúng em sẽ không phải chờ đợi giáo viên về hưu rồi mới xin được vào trường để làm. Và nếu có năng lực thực sự thì sinh viên kể cả mới ra trường cũng sẽ có công việc ngay như mình mong muốn.

Nếu những giáo viên có chuyên môn tốt, có năng lực phẩm chất tốt thì việc bỏ biên chế sẽ không bị ảnh hưởng gì đến họ. Còn với những giáo viên đã được vào biên chế, tâm lý đã ổn định, không chịu học hỏi, tiếp thu những tiến bộ mới thì chuyện bị “ra” để người khác “vào” thì là đương nhiên, điều này chính là động lực cho các giáo viên vì năng lực của họ đã được ghi nhận, tạo ra cơ hội công bằng khiến ai cũng phải có ý thức vươn lên để học tập, trau dồi bản thân mình về mọi mặt.

Chủ trương này khiến giáo viên có tinh thần thi đua nhiều hơn, không còn sức “ỳ” và yêu nghề hơn.

Giảm ghánh nặng về thâm niên

 Nguyễn Thị Ánh Ngọc

Học Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, Nguyễn Thị Phương Thảo – Khoa Giáo dục Mầm non – hồ hởi nói về chủ trương thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên: “Em lo lắng sau khi ra trường sẽ khó khăn khi đi xin việc bởi, rất nhiều trường công khi tuyển dụng cũng yêu cầu phải có thâm niên nghề nghiệp, phải có hộ khẩu, …Rồi chưa tính đến chuyện thi tuyển công chức cũng khó khăn. Không ít bạn trẻ ra trường bằng Giỏi, nhiệt huyết với nghề, mong muốn được cống hiến sức trẻ của mình với Giáo dục, nhưng nhiều trường vẫn không tuyển dụng, bởi, sinh viên trẻ chưa có thâm niên công tác, lo lắng thiếu kinh nghiệm, hay nhiều trường còn “chờ” giáo viên về hưu mới có “chỗ” cho những người trẻ.

Chính vì vậy, em hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ trong việc bỏ công chức, viên chức với giáo viên. Đó là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Giáo dục, tạo đà cho những sinh viên trẻ mới ra trường nhưng có năng lực được thử sức mình, được cống hiến, có cơ hội ngang nhau và cạnh tranh công bằng với năng lực thực sự. Không chỉ riêng em mà cả bố mẹ em cũng rất mừng với thông tin này, vì nhiều gia đình sẽ không phải lo áp lực, gánh nặng kinh tế để chạy cho con vào biên chế nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ