Tất cả vì việc chung...
Được bà con dân bản Pom Cại, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) tín nhiệm bầu làm Trưởng bản đã 15 năm, nhưng chưa khi nào ông Lò Văn Thân thấy bằng lòng với việc mình làm. Bởi vì ước mong “bản không còn hộ nghèo” mà ông đã trăn trở tìm giải pháp bấy lâu nay vẫn chưa thành hiện thực.
Đưa chúng tôi ghé thăm mấy gia đình điển hình làm kinh tế trong bản Pom Cại, Trưởng bản Lò Văn Thân, cho biết: Trận lũ quét năm 1991 đã cuốn trôi hầu hết nhà cửa, tài sản nên bà con bản Pom Cại phải di chuyển từ bản cũ về đây (bản Pom Cại hôm nay). Ngày mới chuyển về, cả bản có hơn 40 nóc nhà đều lợp bằng gianh nứa và 100% gia đình đều có tên trong danh sách hộ nghèo; đường đi lối lại trong bản thì lổn nhổn đất với đá…
Thấu hiểu khó khăn, cơ cực của người dân Pom Cại, ngay khi được dân bản tín nhiệm bầu Trưởng bản ông Lò Văn Thân đã chủ động tìm hiểu các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
Ông còn tìm đọc các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả in trên báo, tạp chí rồi anh còn chép lại vào cuốn sổ riêng làm “cẩm nang kiến thức”.
Tháng một lần tổ chức họp bản, ông Thân đều dành thời gian thông tin chính sách; khuyến khích các gia đình mạnh dạn lựa chọn, thực hiện một mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp.
Ngoài lời hứa “đến tận nhà hướng dẫn cách làm”, Trưởng bản Lò Văn Thân còn cam kết sẽ hỗ trợ các gia đình hoàn thiện thủ tục đề nghị vay vốn khi bà con có yêu cầu. Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của Trưởng bản Lò Văn Thân đã khích lệ người dân bản Pom Cại thêm quyết tâm thoát nghèo. Để đến bây giờ Pom Cại chỉ còn 7 hộ nghèo trong tổng số 74 gia đình. Điều đáng quý là đến nay hầu như gia đình nào cũng có con em học đại học, đi làm cán bộ, công chức ở các nơi…
Nghe chúng tôi hỏi khó khăn những ngày đầu làm trưởng bản mà kiêm cả núi việc như cán bộ khuyến nông, ngân hàng, ông Lò Văn Thân thoáng chút trầm tư. Bấm từng đốt ngón như kiểm lại từng việc, ông Thân khẽ nói: “Bản thân thì tôi không ngại khó, không ngại nhiều việc nhưng tôi buồn khi mỗi lần nghe ai đó trong bản báo tin con lợn ốm hay con ngan chết. Dù bà con đều hiểu dịch bệnh trong chăn nuôi là khó tránh song tôi vẫn thấy mình như người mắc nợ… niềm tin! Và có lẽ suy nghĩ ấy thôi thúc tôi tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc gia súc, gia cầm; cách nhận biết biểu hiện bệnh và cách chữa trị đúng cách cho từng loài. Giờ thì chỉ cần nhìn qua là tôi biết con trâu, con bò, con lợn hay con gà có bệnh gì hay không”- ông Thân vui vẻ cho biết!
Ông Lò Văn Thân (áo vàng) cùng cán bộ xã đi thăm đồng |
Công to, việc lớn...đều có trưởng bản
Trò chuyện với người dân bản Pom Cại chúng tôi mới biết, nhiều năm qua Trưởng bản Lò Văn Thân còn kiêm chức Tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng, hàng tháng trực tiếp lập kế hoạch, phân công 8 thành viên trong tổ luân phiên đi tuần tra 429ha rừng bản nhận khoán, bảo vệ để hưởng dịch vụ môi trường rừng.
Nhờ đó, hàng năm mỗi gia đình trong bản Pom Cại đều có thêm từ 2 đến 4 triệu đồng để mua sắm thêm vật dụng gia đình. Với cộng đồng bản Pom Cại cũng nhờ nguồn kinh phí quỹ dịch vụ môi trường rừng mà mỗi năm đều có thêm một công trình cộng đồng mới được hoàn thành, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng của người dân trong bản.
Đưa chúng tôi đi thăm công trình đường nội đồng bản Pom Cại mới hoàn thành dịp đầu năm 2021, Trưởng bản Lò Văn Thân vui vẻ cho biết: Nếu dùng ngân sách làm con đường này có lẽ cần đến vài trăm triệu đồng chứ không ít. Nhưng ở đây từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng và công sức bà con dân bản con đường này được hoàn thiện với gần 50 triệu đồng.
Nói về quá trình làm đường nội đồng, ông Thân kể chi tiết: “Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020, tôi đã xin ý kiến chi bộ rồi họp công khai xin ý kiến bà con để lại 30 triệu đồng chi cho các hoạt động tổ bảo vệ rừng. Cùng với số tiền Quỹ của tổ được trích lại từ năm trước, chúng tôi đã thống nhất dành tiền mua xi măng, còn các vật liệu khác, như: cát, đá thì huy động nhân dân trong bản góp sức khai thác tại suối”.
“Sau 20 ngày dân bản góp sức cùng làm, đường nội đồng đã hoàn thành với chiều rộng 1,2 m, chiều dài gần 1 cây số. Hai bên đường được kè đá chắc chắn, đảm bảo cho máy gặt, máy bừa đi lại thuận tiện. Từ ngày có con đường, bà con ra ruộng canh tác thuận tiện hơn rất nhiều; thóc lúa làm ra chở về nhà dễ dàng hơn, chứ không như trước phải gánh từng bao về nhà vất vả lắm!”, ông Thân kể tiếp.
Cứ như thế, mỗi năm 2 lần nhận tiền công bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà về Trưởng bản Lò Văn Thân lại tổ chức họp bản thống nhất định mức chi cho từng gia đình và phần trích quỹ làm công trình cộng đồng của bản. Việc chung của bản; việc lớn, việc nhỏ của từng gia đình Trưởng bản Lò Văn Thân đều có mặt giúp sức, vì thế người dân Pom Cại luôn tin tưởng gửi gắm trưởng bản Thân những niềm vui, nỗi niềm…