Ông Trump sẽ chấm dứt việc mở rộng NATO?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng ông Trump có thể đang xem xét một thỏa thuận với Nga để không mở rộng NATO sang Ukraine và Gruzia.

Ông Donald Trump. Ảnh: Getty Images.
Ông Donald Trump. Ảnh: Getty Images.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn chưa nêu tên một đội ngũ an ninh quốc gia hoặc công bố một chương trình nghị sự mới cho NATO. Tuy nhiên, tạp chí Politico đã nêu khả năng trên trong một câu chuyện được xuất bản hôm 2/7.

Theo đó, trong trong kế hoạch dành cho Ukraine chưa được báo cáo trước đây, ông Trump đang cân nhắc một thỏa thuận trong đó NATO cam kết không mở rộng thêm về phía đông - đặc biệt là sang Ukraine và Gruzia.

Ngoài ra, ông Trump xem xét việc đàm phán với Tổng thống Nga Putin về việc Moscow có thể kiểm soát bao nhiêu lãnh thổ của Ukraine – Politico cho biết khi dẫn 2 chuyên gia an ninh quốc gia thân cận với ông Trump.

Một nguồn tin giấu tên được cho là quen thuộc với tư duy của ông Trump cho biết ông “sẵn sàng chấp nhận điều gì đó ngăn chặn việc mở rộng NATO và không quay lại đường biên giới năm 1991 với Ukraine”. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào khác, gồm việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Kiev.

Mặc dù ông Trump có thể không rời khỏi NATO hoàn toàn, nhưng ông ấy có khả năng cải tổ khối này để khiến các thành viên châu Âu đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn - điều mà các nguồn tin của Politico đánh giá là họ thực sự không làm được.

Theo một nguồn tin ẩn danh thân cận với ông Trump, các thành viên châu Âu trong khối không chi ít nhất 2% GDP cho quân đội “sẽ không được hưởng sự hỗ trợ lớn về quốc phòng và an ninh” của Mỹ.

Elbridge Colby, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách chiến lược dưới thời ông Trump, nói với Politico rằng Mỹ không có đủ lực lượng quân sự để đi khắp nơi.

Ông Colby nói thêm rằng các thành viên châu Âu trong khối cần phải xây dựng các lực lượng đáng tin cậy để chiến đấu và đối phó với hoạt động quân sự của Nga, giống như hiện nay.

Là một phần trong kế hoạch “định hướng lại triệt để” NATO dưới thời ông Trump, Mỹ sẽ duy trì các căn cứ không quân và hải quân ở châu Âu, nhưng để “phần lớn bộ binh, thiết giáp, hậu cần và pháo binh” cho các đồng minh lục địa này xử lý.

Theo Politico, các nước EU “rõ ràng là chưa sẵn sàng để sớm đảm nhận vai trò quân sự được mở rộng đáng kể”, trong khi lục địa này “yếu hơn về kinh tế và phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ hơn bao giờ hết”.

“Điều quan trọng cần lưu ý là tất cả những ý kiến ​​​​này không phải từ ông Donald Trump,” Richard Grenell, cựu quyền giám đốc tình báo quốc gia dưới thời ông Trump, cho biết trên X khi bình luận về bài báo của Politico. Chiến dịch tranh cử của ông Trump không đáp lại yêu cầu bình luận của hãng tin này.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ