Theo Bloomberg, ông Rosenstein không chỉ đưa ra thông tin trấn an Tổng thống mà còn đưa ra sự bảo đảm trong một cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng vào ngày 12/4, đồng thời khẳng định diễn biến này “giúp giảm bớt mong muốn của Tổng thống loại bỏ ông Rosenstein hoặc ông Mueller”.
Bloomberg cũng tiết lộ, ông Trump đã nói với một số cố vấn thân cận nhất của ông sau cuộc gặp rằng chưa phải thời điểm thích hợp để loại bỏ một trong hai người vì ông không phải là mục tiêu của cuộc điều tra.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Hãng thông tấn Anh Reuters, họ có nguồn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết không bình luận về các cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump. Nhà Trắng cũng không phản ứng ngay tức thì về yêu cầu bình luận liên quan đến sự việc này.
Ông Mueller đang điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ và sự thông đồng khả dĩ với ban vận động tranh cử Trump. Nga luôn phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử.
Còn ông Trump đã tuyên bố rằng không có sự thông đồng và đã nhiều lần gọi cuộc điều tra của ông Mueller là cuộc “săn phù thủy” (ý nói ông bị truy bức chính trị); khơi lên lo ngại ông Trump có thể tìm cách sa thải công tố viên đặc biệt hoặc ông Rosenstein, người giám sát cuộc điều tra.
Theo chính sách của Bộ Tư pháp, một mục tiêu điều tra là người được cho là có hành vi phạm tội và có phần chắc sẽ đối mặt với các cáo buộc, trong khi một đối tượng điều tra là người có hành vi nằm trong phạm vi điều tra.
Báo The Washington Post hồi đầu tháng này đưa tin ông Trump là đối tượng của cuộc điều tra này. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ cũng lưu ý một đối tượng có thể trở thành mục tiêu của cuộc điều tra khi các bằng chứng đáng kể mới xuất hiện. Một lý do ông Trump được coi là đối tượng chứ không phải là một mục tiêu có thể là vì ông Rosenstein đưa ra đánh giá dựa trên giả định một tổng thống tại nhiệm không thể bị truy tố.