Luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và việc ông Donald Trump đặt bút ký ban hành chỉ là vấn đề thủ tục.
Gia tăng sự trừng phạt
Cụ thể, theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/8 đã ký luật trừng phạt mới với Nga, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng. Ngoài ra, luật này cũng trừng phạt Iran và Triều Tiên vì chương trình tên lửa và vấn đề nhân quyền. Đáng lưu ý, luật còn hạn chế khả năng kiểm soát của Tổng thống Trump với trừng phạt Nga. Ông Trump cần phải có sự chấp thuận từ quốc hội nếu muốn nới lỏng trừng phạt Moscow.
“Dù cảm thấy thất vọng vì quốc hội hạn chế quyền lực của ông trong vấn đề đối ngoại, Tổng thống Trump cho rằng nhìn chung, luật này khẳng định cam kết mạnh mẽ của ông với các biện pháp trừng phạt Nga, để làm rõ rằng Mỹ thấy hành vi của họ là không thể chấp nhận được” - Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói với kênh Fox News.
Ông Donald Trump đương nhiên không vui vẻ gì khi phải đặt bút ký ban hành luật này, lẽ đơn giản khi lưỡng viện đã thông qua thì Tổng thống chỉ có thể thực hiện theo, nếu phủ quyết sẽ dẫn đến sự đối đầu với Quốc hội, mà phần thiệt chắc chắn sẽ nghiêng về Tổng thống.
Miễn cưỡng đặt bút ký
“Hôm nay tôi đã ký luật H.R 3364 - Đạo luật chống lại đối thủ của Mỹ bằng biện pháp trừng phạt. Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt, ngăn chặn hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Triều Tiên và Nga, luật này vẫn có những thiếu sót đáng kể”, Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố của Nhà Trắng ngay sau khi ký ban hành luật.
Theo ông Donald Trump, vì vội vàng thông qua luật này, quốc hội đã đưa vào một số điều khoản rõ ràng vi hiến. Ông cho rằng luật đã xâm phạm thẩm quyền của nhánh hành pháp trong việc thương lượng, khiến cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận tốt và sẽ “khiến Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn”.
“Mặc dù luật có nhiều vấn đề, tôi vẫn ký vì sự đoàn kết của quốc gia”, ông Trump tuyên bố, “Chúng tôi hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng để không còn cần đến các biện pháp trừng phạt nữa”.
Không chỉ có Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tỏ rõ sự không hài lòng với luật nói trên. Ông tuyên bố trong họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 1/8, một ngày trước khi luật được ký: “Về hành động của Quốc hội áp dụng các biện pháp trừng phạt này và cách họ làm, cả tổng thống lẫn tôi đều không vui về điều đó. Chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ giúp ích cho nỗ lực của chúng tôi, nhưng đó là quyết định mà họ đã đưa ra. Họ làm điều đó theo một cách rất áp đảo”
Sự đáp trả của Nga
Mỹ trừng phạt Nga vì khủng hoảng Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, dù Moscow bác bỏ điều này. Sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt vào tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật, giới chuyên gia cho rằng, Nga có thể tung ra thêm các biện pháp trả đũa như cấm vận thương mại hay chặn các đề xuất của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc. Quả thật, ngay trong ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố gọi lệnh trừng phạt mới của Mỹ là thiển cận và có nguy cơ làm tổn hại đến sự ổn định toàn cầu.
“Đã đến lúc họ nhận ra rằng những mối đe dọa và nỗ lực gây áp lực lên Nga sẽ không làm Nga thay đổi chính sách hay hy sinh lợi ích quốc gia”, tuyên bố có đoạn viết. Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo rằng, họ có thể tung ra biện pháp trả đũa với Mỹ trong thời gian tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng luật trừng phạt mà Trump đã ký tương tự một cuộc chiến thương mại toàn diện. “Niềm hy vọng về mối quan hệ cải thiện giữa chúng ta với Mỹ đã tiêu tan”, ông viết.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia, nhấn mạnh Nga sẽ không nhượng bộ và không có kế hoạch thay đổi chính sách. “Nếu những người nghĩ ra luật này cho rằng họ có thể thay đổi chính sách của chúng tôi thì họ đã sai”, ông Nebenzia khẳng định.