Bắt nạt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Mất hơn một tháng trời mật phục, gã cũng tiếp cận được căn cứ của Liên “chồn”. Nó lủi như chồn, nhanh như sóc. Nó có thể nhe hàm răng sắc nhọn vào chúng tôi lúc nào không hay.

Bắt nạt

Có lẽ trinh sát giỏi nhất, giàu kinh nghiệm nhất cũng không dễ tìm ra nó. Gã tự mỉm cười, huyễn hoặc mình như phim hình sự. Chợ đêm. Tưởng nguy hiểm nhất mà lại là nơi an toàn nhất.

Ở đây, con bé học sinh cá biệt gớm ghê, gieo tư tưởng chống đối cho cả chục đứa con gái cùng lớp đang ẩn náu. Khoanh vùng được nó đã là một thành công lớn, bởi biết bao thầy cô đến tìm hiểu phải bó tay.

Thật lạ lùng, con bé bày đủ trò tinh quái trong lớp lại đang giúp mẹ bán sạp hàng ở chợ đêm. Trong không khí đầy mùi khói bụi khắp nơi tỏa đến, Liên chồn đang hổn hển thái một củ su hào bằng dụng cụ kỳ lạ trên tay.

“Bà con mua đi. Dụng cụ thái cắt gọt tổng hợp đến từ Đài Loan đây. Đảm bảo chất lượng công nghệ tiên tiến nhất. Bảo hành một đổi một trong ba tháng”.

Mới nghe lời quảng cáo, gã đã phì cười. Chợ đêm chỉ là nơi tạm bợ. Người bán tuy có đăng ký nhưng họ đi lúc nào thì ban quản lý cũng chỉ biết thế thôi. Bao giờ tìm thấy người bán để bắt đền? Nhất là thứ dụng cụ không tên không tuổi, được cái Huyền, em gái cái Công lén lút dán nhãn trong căn phòng trọ tôi tìm thấy hôm trước.

Tôi cố gắng chen vào hàng người đang háo hức thử “bộ dụng cụ đa năng”, ghé mặt sát cái Liên, giọng cố tỏ ra vẻ hình sự:

- Ú òa! Liên chuồn. Bạn đã bị bắt.

Cái Liên giật thót, miệng lắp ba lắp bắp:

- Bà con xem đây. Cái dụng cụ này cắt được cả kính… Mà chồn chứ không phải chuồn!

Gã cười phá lên khi kể lại cuộc vây ráp hồi hộp chẳng kém gì phim cảnh sát hình sự cho tổ Văn. Chẳng ai cười với gã. Năm thầy cô giáo ngồi trong phòng, người giở giáo án sột soạt, người bấm chuột tanh tách. Ừ, cũng bình thường so với mấy đứa đầu têu khác nhỉ. Gã kết luận rồi xách máy tính vào lớp.

- Lớp con có bạn nào cá biệt không?

Gã hỏi mà không thèm nhìn thằng con trai.

- Có ạ. Mà nó láo con đấm vỡ mặt.

Gã không tin vào tai mình. Thằng con gã đây sao? Nó trở nên hung hãn từ lúc nào? Nó cũng lớp 10 như cái Liên. Mà không, đáng lẽ thằng Công phải lớp 10 như con gã mới đúng. Gã lập cập hỏi lại với giọng điệu e sợ:

- Mày gấu lên từ bao giờ thế?

Thằng nhóc được thể càng hung hăng tợn:

- Bố quên mất đóng tiền cho con học Karate cả năm rồi à?

Thì ra vậy. Thằng nhóc dũng cảm như thế là do gã. Gã sợ con bị bắt nạt nên đã âm thầm cho con đi học võ ở nhà thiếu nhi quận. Gã chỉ đưa nó tiền rồi để mặc nó đến đăng ký. Gã đâu biết người ta dạy cái gì cho con, nhưng bây giờ rõ rồi. Người ta không chỉ dạy võ mà còn dạy nó thứ khác.

Thoáng cái thằng Long con gã đã lớp 10. Không còn là đứa bé tí cứ chiều chiều xin gã tiền mua bim bim với bánh gấu. Không còn là đứa mừng rơn mỗi khi gã cầm về quyển sách mới tinh, cũng chẳng còn là đứa làm nũng đòi gã dẫn đi ăn sáng. Đêm đến, trước khi đi ngủ, gã đều để một trăm tiền ăn cho con, nó muốn làm gì thì làm.

- Thế hồi học cấp 3 bố có như con thế này không?

À, giờ còn chất vấn cả bố nó cơ đấy. Gã im bặt, không biết trả lời sao. Nó mà biết gã chỉ là đứa gầy nhẳng, ốm yếu, hàng sáng phải cúng năm nghìn cho các “đại ca” ở lớp, ở trường thì chắc gã không còn mặt mũi nào nhìn con nữa. Gã lấy hết hơi trong phổi, thốt ra thật to:

- Tao ấy à. Hồi học cấp ba cả trường ai cũng nể nhé. Giờ tập trung học đi.

Thằng bé thỏa mãn. Nó cười rinh rích rồi cắm đầu vào quyển sách ra chiều sung sướng lắm. Đó, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nó khỏe, bố cũng phải khỏe. Nó mạnh, bố chắc chắn mạnh. Tính chất bắc cầu trong vật lý không áp dụng được vào xã hội, chân lý ấy gã biết, còn thằng Long chắc chẳng hề hay biết.

Sao gã lại nói dối con?

Làm bố, không nhất thiết phải luôn nói thật. Có những lời nói dối lại có ích cho trẻ con. Cụ thể, việc người cha là thần tượng của con có tác dụng rất tích cực tới sự phát triển của trẻ. Tương lai của nó phụ thuộc vào hình tượng và sức ảnh hưởng của mình. Gã nghĩ vậy và yên tâm với câu trả lời như vậy.

*

* *

Căn phòng trọ chật hẹp nằm sâu trong ngõ gần chợ Kim Liên. Trong khu trọ sinh viên và lao động nghèo này, tiếng gà kêu, chó sủa rồi tiếng con gì không rõ cứ inh ỏi rợp trời mây. Nếu lợn kêu eng éc chắc cũng chỉ đinh tai nhức óc thế này là cùng.

Gã nhớ hồi bé cũng sống với ông bà trong một khu tập thể tồi tàn chẳng kém chỗ này, nhưng ít ra nó sạch sẽ hơn, trừ việc người dân nuôi lợn với gà ngay trong nhà. Mùi bọn chúng cứ xộc vào mũi, khiến gã rất khó ngủ. Bà nội thường dỗ cháu bằng mùi chanh thơm dịu.

Tối, gã được uống nước chanh. Vị chua ngọt của chanh, rồi mùi hăng hắc của kem đánh răng “ông đen” làm gã dịu lại, chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Khi tiếng gà gáy o o rung động cả sân khu, gã choàng tỉnh dậy.

Mâm cơm sáng đã dọn sẵn chờ gã ăn rồi lao nhanh đến trường. Tiền ăn sáng ông cho, gã để dành để đóng cho đám “đại ca”. Hai cụ không hề hay biết, cứ tin tưởng cho con tiền quà hằng ngày, nghĩ bụng nó không tiêu cũng để dành.

Nhà gã thuộc loại khá giả, cán bộ chịu khó tăng gia, rồi buôn nọ bán kia cũng có ăn có để. Thằng nhóc ngày đó phải chịu sự sai bảo của một đại ca. Đó là may mắn trời cho, bởi có đứa cùng lớp phải “một cổ hai tròng”.

Hàng cây đứng bóng, tiết cuối kết thúc cũng là lúc cả bọn lục tục đóng tiền “quỹ chung”. Gọi là quỹ để qua mặt người lớn, thực ra đại ca giữ hết. Hàng sáng, đại ca mua đồ ăn, quà vặt chia cho cả bọn trong “băng”, đứa nào thích thì cho nhiều, ghét thì cho ít hoặc không cho.

Gã dù là một trong những đứa đóng nhiều tiền nhất nhưng lại được phần ít nhất bọn. Gã thắc mắc liền nhận ngay một đập đau điếng bằng quyển Toán dày cộp. Từ đó, gã mím môi cam chịu, cố gắng đóng đầy đủ tiền quỹ.

Còn ngay trước mắt gã bây giờ, cái Liên “chồn” đang đếm từng xấp tiền lẻ. Năm nghìn, mười nghìn rồi hai mươi nghìn vương vãi như một gia tài, vậy mà mặt con bé méo xẹo. Thấy gã, cái Liên vơ vội đám tiền cất vào túi.

- Mai em phải đi học nghe không? Hết thời gian đình chỉ rồi.

- Em không đi có sao không ạ?

- Không sao, nếu em muốn bán hàng rong suốt đời.

À, lỡ miệng chút thôi, vậy mà mắt con bé long lên sòng sọc. Tay nó nắm chặt. Mồ hôi nó chảy thành giọt. Giữ tư thế đó trong một lúc, nó rít từng tiếng qua kẽ răng:

- Em xin lỗi thầy.

Biết cố nói gì thêm cũng vô ích, tôi đành đi về sau khi cố vớt vát:

- Thầy không có ý gì đâu. Mai nhớ đi học.

*

* *

- Mày đụng vào tao, bố tao giết.

Giọng thằng Long con gã oang oang. Thằng bé đang vỡ giọng do dậy thì, tiếng hét hơi ồm ồm làm ba đứa học sinh vây quanh chột da. Một đứa túm lấy vai Long hỏi:

- Bố mày là ai thế?

- Thầy Quân. Mày thử làm gì đi rồi thầy xử mày.

Trái với dự đoán của thằng Long, ba đứa kia cười hô hố:

- Tưởng gì. Ông Quân thì khỏi lo.

- Mày nói sao?

- Hôm nọ tao trêu, ông Quân còn xin tao. Nhìn lão run rẩy sợ sệt buồn cười lắm.

Chưa kịp nói hết câu, thằng bé đã ăn ngay một đấm vào giữa mặt ngã ngửa. Hai đứa kia chưa kịp phản ứng thì thằng Long đã co chân quét vào sau khớp gối làm ngã khuỵu một đứa. Long định giơ tay dứt điểm thì thằng còn lại giở giọng xin xỏ:

- Thôi. Bọn tao đùa thôi, làm gì ghê thế.

Ba đứa kia chuồn thẳng, để lại Long một mình suy nghĩ. Tối, Long hỏi bố với giọng ngờ vực:

- Bố nói thật đi. Hồi học sinh bố có mạnh không.

- Ờ thì không mạnh lắm, nhưng ai cũng nể.

- Vậy đủ hiểu. Con học bài đây. Mà bạn Liên bị bắt nạt đấy bố ạ.

Thế là hết. Thằng Long đã biết bí mật của gã. Từ khi được chính thức đứng lớp, gã tự hào lắm. Gã được trao thứ quyền lực to lớn với lũ học sinh dưới kia, đủ khiến chúng sợ.

Mấy khóa trôi qua, gã dần quên những đứa học sinh khóa trước đã dạy. Lắm khi nhìn xuống lớp, gã tưởng bọn bạn học đang nhìn lên với vẻ khinh bỉ, rồi thằng đại ca nhe hàm răng sún một chiếc bắt gã đóng tiền quỹ. Làm thầy giáo, gã không thoát khỏi nỗi ám ảnh thơ bé, để giờ đây phải xấu hổ cả với con.

Gã lại đến nhà cái Liên vì nó vẫn nghỉ học. Thứ học sinh cá biệt. Bị đình chỉ hết thời gian thì cũng phải cố mà đến lớp. Ý nghĩ đó chợt thoáng qua trong đầu rồi nhanh chóng biến mất. Con bé dù tỏ thái độ nhưng cuối cùng nó vẫn nghe lời thầy giáo.

Nó chỉ có điều gì khó nói mà thôi. Đống tiền lẻ căng phồng cái Liên nắm chặt trong tay. Đó là tiền bán từng món hàng ở sạp. Gã cũng từng bán hàng cho bà nên biết rõ điều đó. Kêu gào khản cả cổ nhưng người ta không mua thì coi như chẳng được gì. Những đồng tiền đó, chắc chắn gã không muốn đưa cho ai. Chắt chiu rồi biến mất. Một nỗi xấu hổ tột cùng.

Gã gọi thằng Long. Hai người đi đến chợ đêm. Vẫn gian hàng bán đồ gia dụng. Cái Liên nói liến thoắng, cắt gọt rau củ nhanh thoăn thoắt. Nó vẫn làm công việc thường ngày. Hôm qua, thằng Long nói cái Liên đang bị bắt nạt. “Bố phải giúp bạn Liên. Chắc con không biết chuyện bố đứa đang bắt nạt là người rất có thế lực đâu”.

Thằng Long ngước mắt nhìn tôi ngạc nhiên, rồi yên lặng không nói gì. Có khi nó cũng phần nào hiểu được thế giới của người lớn không giống với trẻ con. Nó chỉ biết đến bên an ủi cái Liên và hứa sẽ bảo vệ cho bạn. Còn với tôi, lần đầu tiên thằng con làm hành động giơ ngón tay cái lên, rồi chờ bố đập tay với mình. Hình như bọn trẻ hay làm thân kiểu đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ